Đọc sách, báo hay nghe nói cũng đã quen tai, nhưng khi chứng kiến những cú khủng hoảng của đám con nít lên 3, lên 4, tôi cũng phải bất ngờ. Chị Giang (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) có cô con gái tên Nấm, 41 tháng tuổi. Bé Nấm đang vui vẻ chơi đùa, chỉ vài giây sau đã thay đổi thái độ 360 độ, ngồi ỳ một chỗ, quệt nước mắt chỉ vì mẹ mải dọn dẹp không nghe câu hỏi của bé để trả lời. Chị Giang bảo, gần đây bé Nấm luôn tỏ ra khó chịu, hay nhõng nhẽo, lúc nào cũng đòi hỏi mọi người phải chú ý đến mình. Nếu như trước đây con luôn tự lập, tự chơi một mình, chơi xong thì dọn dẹp gọn gàng, thì giờ đòi phải có ba hoặc mẹ chơi cùng, dọn cùng.
Mới đây, chị bạn tôi cũng sốc nặng khi Bảo - cậu con trai 4 tuổi vốn rất chững chạc - trở nên “mít ướt”. Bảo còn sinh tật đòi gì thì đòi cho bằng được, nhưng cả thèm chóng chán, những món đồ chơi trước đây con rất yêu thích thì giờ chỉ cần nhìn thấy là quăng đi chỗ khác. Nhắc con đi vào nhà vệ sinh tiểu thì kiểu gì cũng có một bãi nước tiểu ngay giữa nhà…
Nghe mấy phụ huynh kể, rồi tận mắt nhìn mấy đứa trẻ xung quanh đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, lên 4, tôi thực cũng lo lắng. Con tôi mới hơn 1 tuổi, ai cũng bảo đang “giai đoạn vàng” về độ dễ thương, chỉ 1 năm nữa là “biết tay nhau”.
Trên sách báo hay trong dân gian đều có nói, ở các giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có giai đoạn trẻ rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng tuổi lên 3 thường kéo dài từ nửa cuối năm thứ ba đến nửa đầu năm thứ tư của trẻ em. Trẻ có biểu hiện ngang ngược một cách vô lý, không nghe theo những gì người lớn hướng dẫn, không hứng thú với những thứ yêu thích trước kia và thường xuyên cãi lời người lớn bằng hành động hoặc lời nói.
Để dễ thích nghi khi con bước vào cuộc khủng hoảng đầu đời, tôi cũng tìm hiểu thêm thông tin và quan sát nhiều hơn. Tuy vậy, tôi nhận thấy hiện nay những biểu hiện khủng hoảng của trẻ dường như không dừng lại ở tuổi lên 3 mà ở bất cứ tuổi nào, nếu được cha mẹ, ông bà cưng chiều quá mức, trẻ cũng có những biểu hiện tương tự.
Vợ chồng anh Tùng - chị Hạnh (ngụ quận 1, TPHCM) có 2 con: Cu Ben 7 tuổi, còn bé Mây sắp lên 3. Vậy nhưng tính tình của 2 đứa cũng nắng mưa thất thường, vợ chồng anh chị, ông bà nội và người giúp việc chạy đuối cũng phục vụ không kịp. Ben sẵn sàng ngồi khóc giữa siêu thị nếu những đòi hỏi của mình không được ba mẹ đáp ứng.
Cu Ben là con đầu của anh chị, cũng là cháu đầu của ông bà nên được cưng chiều từ nhỏ. Ben đòi gì cũng được, quậy phá thế nào thì trong mắt ông bà vẫn là đứa trẻ nhanh tay nhanh chân. Thấy con ngày càng chướng tính, vợ chồng anh Tùng bàn nhau sinh thêm đứa nữa với kỳ vọng cu Ben làm anh thì sẽ ngoan hơn. Song, sợ cháu có em sẽ tổn thương, ông bà nội càng ra sức cưng chiều. Thấy ông bà có phần thiên vị con lớn, chị Hạnh lại dồn tình thương, sự bao bọc nhiều hơn cho đứa nhỏ.
Tính tình cu Ben ngang bướng từ khi chập chững biết đi, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đứa lớn chưa hết khủng hoảng dù đã ở tuổi lên 7 thì gia đình anh Tùng bị “nhồi” thêm cuộc khủng hoảng tuổi lên 3 của đứa em. Nhiều người thân nhìn vào khẳng định, nếu cứ nuông chiều con cháu theo cách mà gia đình anh Tùng đang nuôi dạy thì tương lai cu Ben và bé Mây sẽ không thể vượt qua những giai đoạn khủng hoảng đầu đời của mình.
Chị Giang cũng kể, hễ vợ chồng chị la bé Nấm vì ương bướng là ông bà nội bé lại nặng nhẹ. Câu cửa miệng của ông bà là “con nít biết gì mà la nó”, “chắc nó khó chịu ở đâu mới thế”. Nếu ai đó góp ý thì ông bà lại: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tuyệt nhiên không bao giờ nhìn nhận vấn đề là con, cháu mình quá được chiều mới thành ra vậy. Lâu nay, chị Giang không dám đưa con đi đâu.
Chuyên gia tâm lý Vũ Hồng Nhung cho rằng, mỗi giai đoạn của trẻ sẽ có những thay đổi tâm lý khác nhau. Tuổi lên 3, trẻ bắt đầu biết ứng dụng những “vũ khí” riêng như khóc lóc, mè nheo để đòi hỏi sự quan tâm của người khác. Vì vậy, nếu cha mẹ lựa theo sự thay đổi đó, dần uốn nắn trẻ thì từ từ khắc phục được. Ngược lại, những “vũ khí” tạm thời này sẽ thành tính cách của trẻ.
Nhiều chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, thực tế không phải hoàn toàn là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tính cách của mỗi con người một phần lớn do môi trường sống. Nếu môi trường sống tích cực, con trẻ sẽ được rèn luyện theo hướng đó. Bởi vậy, họ khuyên hãy để trẻ thấy được tình yêu thương cũng cần phải có điều kiện. Giả dụ, trẻ ngoan thì sẽ được quà chứ không phải vì ăn vạ, vì mè nheo mà có được.