Thiếu hụt trầm trọng
Ghi nhanh tại một số quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM, lượng khách đổ về vài tuần qua đông nên phải chờ khá lâu mới được phục vụ. Chị Lê Kim Phúc (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) kể lại, cuối tuần cả nhà chị ghé ăn uống tại TokyoDeli Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) nhưng đợi hơn 1 giờ đồng hồ vẫn chưa tới lượt. Nhân viên nhà hàng cho biết, khách đông vào cả ngày bình thường, nên để tránh đợi lâu hãy gọi điện đặt bàn trước. Tương tự, chuỗi khu du lịch thuộc Làng du lịch Bình Quới (trực thuộc Saigontourist Group)… cũng đông nghẹt khách vào dịp cao điểm. Theo đại diện Làng Du lịch Bình Quới, đơn vị đang tuyển thêm nhân viên phục vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện tượng thiếu hụt nhân lực dẫn tới quá tải trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch bộc lộ ngay trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua và theo dự báo còn tiếp diễn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Ngành du lịch Kiên Giang tính toán, toàn tỉnh có khoảng 53.000 phòng lưu trú, 90% trong số này là ở đảo Phú Quốc, ước tính thiếu khoảng 15.000 lao động cho ngành du lịch. Để “tăng tải” phục vụ lượng khách mùa cao điểm, các hãng lữ hành, hàng không, khách sạn đã liên tục tuyển bổ sung nhân sự cho ngành. “Chúng tôi vừa tuyển, vừa đào tạo lại, bởi đây sẽ là lực lượng kế thừa chứ chưa thể sử dụng ngay. Sinh viên mới tốt nghiệp đều phải học lại hết, còn người rành nghề lại bị thu hút bởi mức lương, thu nhập từ các công ty đối thủ hoặc đã chuyển sang làm việc khác. Đây vẫn là vấn đề nan giải hậu Covid-19”, lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch lo ngại.
Ông Phùng Xuân Hải, đại diện resort 4 sao Sài Gòn Phú Quốc, cho biết, tình hình nhân sự đang khá khó khăn. Hiện tại, nơi này tuyển dụng được khoảng 80% nhu cầu về nhân sự từ nguồn do doanh nghiệp tự đào tạo và phối hợp tuyển sinh viên thực tập từ các trường cao đẳng, dạy nghề du lịch tại Kiên Giang và TPHCM. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tương tự, ngành du lịch đang thiếu hụt hàng ngàn lao động, trong đó, nhiều lao động vừa có tay nghề, vừa có kinh nghiệm lâu năm không quay lại làm việc mà chuyển sang các ngành nghề khác. Trong khi đó, người mới tuyển thì thiếu kỹ năng và phải mất thêm nhiều thời gian đào tạo khiến doanh nghiệp du lịch gặp không ít khó khăn trong quá trình hồi phục. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo nghề và kết nối với các trường dạy nghề du lịch trên địa bàn để tuyển dụng, thu hút nhân lực vào làm việc.
Số liệu từ Bộ VH-TT-DL cho thấy, năm 2021 ngành du lịch thiệt hại nặng vì đại dịch bùng phát, lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Thực trạng này kéo dài đến năm 2022, khiến người lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực nghiêm trọng và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành “công nghiệp không khói”. Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, lo lắng, với tốc độ hồi phục như hiện nay, ngành du lịch đang phục vụ từ những nhóm đối tượng nhỏ đến các đoàn khách lớn hàng ngàn người thì việc chuẩn bị nhân sự phải ngay từ bây giờ.
Kết nối doanh nghiệp - người lao động
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, nêu giải pháp, trước hết cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở. Cùng với đó là tạo điều kiện về lương, môi trường làm việc để khuyến khích nhân lực trong ngành quay trở lại.
Cùng chung trăn trở này, GS-TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp, trong đó có các dữ liệu lao động đã làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể từng vị trí. Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có thể thành lập các đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tiếp cận chương trình hỗ trợ. Đường dây nóng đóng vai trò vừa tư vấn thông tin vừa báo cáo nhanh cho các cơ quan có thẩm quyền về nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, của người lao động hoặc về những khó khăn hay các khoản hỗ trợ.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT-DL, cho rằng, cần có chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch có kinh nghiệm quay trở lại làm việc. Dài hơi hơn nữa là tổ chức đào tạo lại, kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch. Việc đào tạo cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi.