Khủng hoảng lớn trên bán đảo Triều Tiên

Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng khoảng 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên vào sáng 30-5.

Theo dõi chặt chẽ

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), các vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo, được phóng từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng vào lúc 6 giờ 14 phút (giờ địa phương) ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. JCS cho biết quân đội Hàn Quốc đã tăng cường theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan và tiếp tục phân tích thông tin về vụ phóng, đồng thời chia sẻ thông tin liên quan đến các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên với giới chức Mỹ và Nhật Bản. Bình Nhưỡng hiện chưa chính thức xác nhận thông tin liên quan đến vụ phóng tên lửa nêu trên.

#8c.jpg
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: YONHAP

Theo hãng tin Yonhap, cùng ngày, ông Lee Jun-il, Vụ trưởng Vụ Chính sách bán đảo Triều Tiên, đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản, là bà Jung Pak và ông Yukiya Hamamoto về diễn biến mới trên. Thông báo từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: Ba bên chung quan điểm là các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các hành động này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực. Ba bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ về vấn đề này.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đã gặp Đô đốc Samuel Paparo, tân lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, và Tướng Paul LaCamera, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, thảo luận về tăng cường khả năng răn đe mở rộng của Mỹ tại khu vực và tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Nhật Bản. Hai bên cùng nhất trí về tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh trước những mối đe dọa trong khu vực.

Kiềm chế nếu không đối thoại

Theo báo Hankyoreh của Hàn Quốc, bán đảo Triều Tiên đang trong thời kỳ bất ổn chính trị nghiêm trọng. Các chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên gọi thời điểm hiện tại là cuộc khủng hoảng lớn nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ chiến tranh Triều Tiên. Bất chấp thực tế này, các nhà lãnh đạo của cả hai miền Triều Tiên vẫn tiếp tục tham gia vào trò chơi nguy hiểm. Hai bên tấn công nhau bằng những lời lẽ buộc tội, tuyên bố không phát động, nhưng cũng không né tránh chiến tranh, đồng thời tiến hành các động thái phô trương sức mạnh.

Ông Moon Chung-in, cựu cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hiện là giáo sư danh dự của Đại học Yonsei, nhận định dù khả năng hai miền Triều Tiên chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thực sự là rất thấp, song lo ngại về khả năng một cuộc va chạm bất ngờ có thể dẫn đến không phải là chiến tranh thông thường, mà là một cuộc chiến tranh hạt nhân. “Hiện căng thẳng xung quanh Đường giới hạn phía Bắc (NLL) đang gia tăng trở lại. Một va chạm ngoài ý muốn có nguy cơ làm bùng phát thành chiến tranh khu vực, chiến tranh toàn diện hoặc thậm chí là chiến tranh hạt nhân”, ông Moon Chung-in nói.

Vậy nên, theo ông Moon Chung-in, phải tránh chiến tranh bằng mọi giá. Ông hy vọng Seoul tập trung các nguồn lực ngoại giao và an ninh quốc gia, không phải vào việc giành chiến thắng mà để tránh một cuộc chiến. An toàn và sinh kế của người dân phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Ông Moon Chung-in cho rằng cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều cần kiềm chế và thận trọng; nếu không có đối thoại thì lựa chọn tốt nhất là kiềm chế.

“Chúng ta cần bắt đầu quá trình xây dựng lại niềm tin bằng cách giảm bớt hoặc tạm dừng các cuộc tập trận quân sự ở cả 2 bên biên giới, bằng cách nối lại các đường dây liên lạc và đối thoại liên Triều. Việc khôi phục thỏa thuận quân sự liên Triều ngày 19-9 cũng là điều cần thiết. Những biện pháp này sẽ tạo ra động lực cho việc xây dựng lại chính sách đối ngoại tập trung vào ngăn chặn xung đột”, ông Moon Chung-in nhận định.

Tin cùng chuyên mục