Trước đó, trong thư cảnh báo gửi cho Đức - nước Chủ tịch luân phiên EU - cùng các nhà lãnh đạo EU khác, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng, việc đưa ra cơ chế gắn giải ngân với tuân thủ nguyên tắc pháp quyền là “dựa trên sự độc đoán và mang động cơ chính trị”. Nếu chấp nhận, nó sẽ dẫn đến hợp pháp hóa việc áp dụng các “tiêu chuẩn kép” đối với các nước thành viên.
Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh các giải pháp được đề xuất không phù hợp với kết luận của Hội đồng châu Âu đưa hồi tháng 7 vừa qua. Khi đó, các nhà lãnh đạo khối đã nhất trí với gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ cho cả khối dưới các hình thức trợ cấp hoặc cho vay nhằm tháo gỡ những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng ông không thể nhất trí với “cách tiếp cận có điều kiện” trên là vì nó không phù hợp với gói cứu trợ được thông qua hồi tháng 7. Theo ông, chế tài được đề xuất trong thỏa thuận là dựa trên những định nghĩa pháp lý mơ hồ, và những khái niệm khó xác định rõ ràng như vậy sẽ tạo cơ hội cho việc lạm dụng chính trị, cũng như đi ngược lại yêu cầu về tính ổn định của pháp lý.
Ngày 5-11 vừa qua, Nghị viện châu Âu và 27 nước thành viên EU nhất trí sẽ gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn khối với tổng trị giá 1.850 tỷ EUR để phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19 với một cơ chế yêu cầu các quốc gia tôn trọng pháp quyền EU. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhận định việc “giải ngân có điều kiện” này là điều cần thiết tuyệt đối, đặc biệt là khi số tiền được trao quá lớn.
Tuy nhiên, hãng tin Reuter dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng, các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Budapest và Warsaw chống lại việc liên kết giữa tiền và tôn trọng pháp quyền vì họ đang trong quá điều tra chính thức của EU về tính độc lập của tòa án, truyền thông và các tổ chức phi chính phủ. Nếu bị kết luận xấu, hai nước có nguy cơ mất quyền tiếp cận hàng chục tỷ EUR trong các quỹ của EU.
Việc tìm ra giải pháp có thể mất nhiều thời gian hơn vì nếu không có sự đồng thuận, nhất trí về gói 1.850 tỷ EUR thì không quốc gia EU nào có thể nhận được tiền của mình, Warsaw và Budapest có đòn bẩy mạnh mẽ để gây áp lực buộc các quốc gia khác xóa bỏ “điều kiện” trên.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác do Hà Lan dẫn đầu, cũng như Nghị viện châu Âu, đều muốn có một điều kiện gắn kèm chặt chẽ hơn nữa và đã tuyên bố sẽ không phê duyệt ngân sách nếu không có nó. Sự bế tắc có nghĩa là ngân sách để phục hồi kinh tế cho tất cả các nước EU khỏi cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, dự kiến sẽ được giải ngân từ giữa năm 2021, có thể bị trì hoãn.
Trong khi châu Âu vẫn đang là tâm dịch của thế giới (xét theo khu vực), thì cuộc khủng hoảng chính trị này sẽ khiến cho khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ nhiều thập niên qua không dễ tìm được lối thoát.