Sa thải toàn bộ ban lãnh đạo
Các nghị sĩ trong nghị viện khu vực Catalonia (135 ghế) đã bỏ phiếu thông qua tuyên bố độc lập, với 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống; trong khi hàng chục nghị sĩ phe đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Phát biểu trước đám đông, người đứng đầu chính quyền khu vực Catalonia Carles Puigdemont kêu gọi dân chúng “phản ứng hòa bình trước khả năng sẽ có các cuộc đàn áp sắp tới”.
Phản ứng trước kết quả này, rạng sáng 28-10 ở Madrid, Thượng viện Tây Ban Nha cho phép Thủ tướng Mariano Rajoy giải tán Nghị viện khu vực Catalonia và áp dụng điều hành trực tiếp khu vực này theo Điều 155 của Hiến pháp. Cuộc bầu cử nghị viện mới ở Catalonia sẽ diễn ra vào ngày 21-12. Thủ tướng Mariano Rajoy trong một phát biểu cho biết, sau phiên họp khẩn, nội các của ông đã quyết định sa thải người đứng đầu chính quyền khu vực Catalonia Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo khu vực và cảnh sát trưởng Catalonia Josep Lluis Trapero. Thủ tướng Rajoy phát biểu trên truyền hình nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng cần khẩn trương lắng nghe các công dân Catalonia, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể hành động ngoài vòng luật pháp nhân danh họ”.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp khu vực Catalonia
Ngày 28-10, hàng ngàn người Tây Ban Nha đã tuần hành trên các đường phố lớn ở thủ đô Madrid nhằm phản đối tuyên bố độc lập đơn phương của vùng Catalonia. Nhiều người trong đoàn tuần hành thậm chí còn hô vang khẩu hiệu yêu cầu bỏ tù ông Puigdemont. Các công tố viên Tây Ban Nha cho biết trong tuần tới sẽ chính thức cáo buộc tội danh “nổi loạn” đối với ông Puigdemont. Với tội danh này, ông Puigdemont sẽ phải đối mặt mức án 30 năm tù giam.
Cộng đồng quốc tế phản ứng
Liên minh châu Âu (EU), Anh, Đức và Mỹ cho biết sẽ không công nhận nền độc lập của Catalonia và bày tỏ sự ủng hộ Madrid trong việc duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, khẳng định: “Đối với EU không có gì thay đổi. Tây Ban Nha vẫn là đối tác đối thoại duy nhất của chúng tôi”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ủng hộ những nỗ lực của Thủ tướng Rajoy để ngăn chặn nền độc lập của Catalonia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Catalonia là một phần không thể thiếu của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp theo Hiến pháp Tây Ban Nha để giữ cho nước này mạnh mẽ và thống nhất”.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói: “Vương quốc Anh không và sẽ không công nhận tuyên bố độc lập đơn phương do chính quyền Catalonia công bố. Vì điều đó dựa trên một cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp theo phán quyết của tòa án Tây Ban Nha”. Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, khẳng định ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất và không công nhận tuyên bố độc lập của Catalonia. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nhấn mạnh sẽ đứng về phía Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại thời điểm quốc gia châu Âu này đang đối diện với cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất kể từ năm 1978, đồng thời bày tỏ hy vọng Madrid sẽ tìm được một giải pháp chính trị hòa bình.
Nhà nghiên cứu Barbara Loyer, Giám đốc Học viện địa chính trị Paris 8 của Pháp, chuyên gia về quan hệ Tây Ban Nha - châu Âu, cho rằng tuyên bố độc lập của chính quyền tự trị vùng Catalonia có những vấn đề chính trị và địa chính trị phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới xung đột bất kỳ lúc nào.