Cuộc đại chiến với Ucraina để củng cố ngôi đầu bảng I trong cuộc đua giành vé World Cup 2018 lần này không có Lovren, hòn đá tảng của HLV Ante Cacic nhưng trung vệ khoác áo Liverpool ấy vẫn nên được nhắc tới, bởi đơn giản, anh chính là hiện thân của tinh thần Croatia suốt thời gian qua. Đó là tinh thần phải sống của những con người đã phải trải qua một thời niên thiếu đầy sóng gió, những sóng gió đến từ vận mệnh của một dân tộc.
Nếu là một khán giả hâm mộ bóng đá, chắc chúng ta khó có thể quên được hình ảnh rực lửa của Croatia ở World Cup 1998, cách đây khoảng 20 năm. Đó là một đội bóng lặng lẽ giành vé World Cup nhờ vào những con người không hề lặng lẽ trong màu áo CLB. Và họ đã lập được những kỳ tích thực sự, những kỳ tích có thể kỳ vĩ hơn nữa nếu như may mắn không đứng về chủ nhà Pháp, với sự tỏa sáng bất ngờ của Lillian Thuram. Hồi ấy, nếu Croatia vượt qua Pháp để vào chung kết, chưa biết điều gì sẽ xảy ra bởi so sánh với Brazil của Ronaldo, họ cũng không phải là đối thủ thua kém đến mức lép vế.
Ấn tượng Croatia với khán giả Việt Nam cũng đến từ đó, và mỗi kỳ World Cup hay EURO, nếu Croatia góp mặt, họ luôn là cái tên được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại những bước ngoặt cho giải. Thế hệ Croatia 1998 mang dấu ấn mặc cảm về một ĐTQG được hình thành do sự phân rã từ một ĐT lớn hơn, với sự lựa chọn riêng của mỗi tuyển thủ mang tính sắc tộc. Còn thế hệ Croatia hôm nay, thế hệ của Modric, Rakitic, Lovren lại là thế hệ lớn lên từ những biến cố phân rã ấy, một thế hệ học chơi bóng trên những góc phố đạn bom trước khi bước vào một sân cỏ chuyên nghiệp thực thụ.
Lovren không bao giờ quên được những gì xảy ra với gia đình mình. Anh kể lại rằng ngôi làng anh sống xưa kia vốn dĩ rất êm đềm và bình an. Mọi người cư xử với nhau hồn hậu, sẻ chia và ấm cúng. Để rồi khi biến cố chính trị diễn ra, họ trở thành kẻ thù của nhau, chỉ vì khác nhau quan điểm chính trị, tôn giáo và sắc tộc. Ngôi làng yên bình thành nơi diễn ra những thảm sát và Lovren đã phải chứng kiến bác của mình bị giết, bằng dao, trong một đêm hoảng loạn. Cha mẹ anh, cùng một người chú, đã lập tức bỏ lại tất cả để sang Đức, sống với ông ngoại, với hy vọng sẽ được nhập tịch. Nhưng Lovren đã không bao giờ trở thành tuyển thủ Đức bởi gia đình anh đã bị chối từ việc nhập tịch. Anh không bao giờ quên thân phận của những người tị nạn, với mặc cảm còn mang nặng cho tới khi anh khoác áo Lyon. Và anh đã nói: “Hãy cho những người tị nạn một cơ hội. Ký ức của những ngày tháng tị nạn chưa bao giờ nhạt trong tâm trí tôi”.
Thế hệ các tuyển thủ Croatia hôm nay hầu hết đều phải trải qua những gì Lovren đã phải trải qua, và họ hiểu bản du ca của những người không còn đất sống vẫn chưa bao giờ vang lên một lần cuối cùng. Nó còn dai dẳng đến hôm nay, với những lớp người tị nạn mới, từ những vùng đất mới. Châu Âu đang trở lại với những ngày u ám như thời kỳ tiền thế chiến thứ II thì phải? Ở đó, cơ hội ít dần hơn, sự đứt gãy trong xã hội thì lớn hơn, và thù hằn lại bắt đầu manh mún lên ngôi.
Trong hoàn cảnh ấy, bóng đá luôn là hy vọng để người ta tin vào điều gì đó tốt đẹp rồi sẽ tới. Thành công của những cầu thủ như Modric, Lovren luôn là động lực để những người tị nạn yếm thế hiểu rằng họ luôn phải nuôi cho mình khát vọng sống. Và vì thế, hành trình của Croatia trong từng trận đấu như từng bản du ca vang lên, mở ra một tia sáng dù nhỏ nhoi thôi, nhưng cũng đủ để những người yếu thế hiểu rằng, đã có những người vượt qua được đạn bom, và ghi tên mình một cách hãnh diện như những nhà vô địch thực sự, những nhà vô địch đã luôn thắng trận chung kết mà số phận đặt họ vào thế phải chiến đấu trước đối thủ là tất cả những gian khó của đời sống ngày càng trở nên hỗn loạn hơn.
HÀ QUANG MINH