Weijia Textiles Vina chuyên sản xuất các sản phẩm: cổ áo dệt kim, bo cổ tay, gấu; dệt áo quần, vải gân, vải dệt, phụ liệu dệt, áo quần, phụ kiện thời trang… triển khai tại Khu công nghiệp Đồng An 2 (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Trong danh sách đang hoàn thiện thủ tục còn có cái tên rất quen thuộc: Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) với kế hoạch đầu tư 4,6 tỷ USD. Cũng trong lĩnh vực năng lượng, Bạc Liêu đang đề nghị Bộ Công thương xem xét bổ sung vào Quy hoạch Điện VII, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư Energy Capital (Mỹ), vốn đầu tư 4,3 tỷ USD. Là một tỉnh khó khăn, Bạc Liêu rất kỳ vọng nhà máy điện này (quy mô 3.200MW) bổ sung khoảng 3.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách địa phương. Nhiều dự án quy mô lớn khác cũng đang chuyển động tích cực: dự án 500 triệu USD của nhà đầu tư Hana Micron (Hàn Quốc); dự án bổ sung 610 triệu USD của Apparel Far Eastern. Meiko Electronics cũng chuẩn bị tăng vốn thêm 200 triệu USD…
Việt Nam vẫn còn có thể trông đợi nhiều hơn thế, khi xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội do Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như để tránh những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đang ngày càng rõ nét. Mới đây, Tập đoàn LG vừa công bố dừng sản xuất smartphone tại Hàn Quốc vào cuối năm nay để chuyển sang sản xuất tại các nhà máy của LG tại Hải Phòng, Việt Nam. Thực ra, thông tin này không bất ngờ vì LG đã có kế hoạch “lót ổ” từ khi bắt đầu triển khai đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất ở Hải Phòng vào năm 2013. Tiếp bước Samsung, LG đang xây dựng ở Việt Nam cứ điểm sản xuất lớn nhất của mình trên toàn cầu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, không thể không kể đến CP Foods - thuộc Charoen Pokphand Foods, doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont. Sau khi đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam kể từ năm 1993 đến nay, CP Foods sẽ tiếp tục rót thêm hơn 200 triệu USD để xây dựng trung tâm xuất khẩu thịt heo và gia cầm tại Việt Nam…
Tuy nhiên, trong cái mừng vẫn ẩn chứa những điều lo. Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy và một số ý kiến lại tiếp tục bày tỏ quan ngại về một số mặt trái trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Nếu để ý theo dõi, có thể thấy tại tất cả các phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội, kỳ họp nào cũng có những ý kiến tương tự. Trong số nhiều vấn đề được nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tình trạng “chuyển giá” của doanh nghiệp FDI là có, khá nghiêm trọng và cần được ngăn chặn ngay từ khâu đầu tư, sản xuất. Nếu không có những giải pháp để giám sát, khẳng định việc dòng vốn nước ngoài đã thực sự chảy vào Việt Nam, tạo dựng nên cơ sở sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; nếu cứ để cho doanh nghiệp tự khai vốn, tự đầu tư rồi tự khấu hao, thì nguy cơ thất thoát thuế là rất lớn.
Và như thế, thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài mới chỉ là khúc dạo đầu của một bản nhạc vui.