Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế đến từ Ấn Độ, Canada, Nga, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan... đang tham dự hội thảo quốc tế về hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra tại Trường Đại học Luật TPHCM.
Khách nước ngoài mua hàng tại siêu thị MM Mega Market Hiệp Phú (quận 12, TPHCM) - thương hiệu của Thái Lan
Khách nước ngoài mua hàng tại siêu thị MM Mega Market Hiệp Phú (quận 12, TPHCM) - thương hiệu của Thái Lan

Sáng 19-10, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Đại học Tours (Pháp) tổ chức hội thảo quốc tế năm 2023 với chủ đề “Hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường”.

Phát biểu chào mừng các đại biểu, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhấn mạnh, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được coi là động cơ kinh tế chính của toàn cầu, nơi hội tụ những “nền kinh tế rồng, hổ” năng động và mạnh mẽ, có tốc độ tăng trưởng cao, thị trường hấp dẫn, lực lượng lao động trẻ trung, chăm chỉ.

Tiến sĩ Lê Trường Sơn trao thư cảm ơn các nhà tài trợ

Tiến sĩ Lê Trường Sơn trao thư cảm ơn các nhà tài trợ

Vì vậy, từ vài thập kỷ nay, khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở thành điểm đích chiến lược xoay trục của nhiều quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Các chiến lược này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, mà còn được thiết kế dựa trên những tính toán ở nhiều phương diện khác, trong đó có ngoại giao, chính trị.

Đặc biệt, để thực thi chiến lược đó, một mạng lưới dày đặc và rộng lớn các hiệp định tự do hóa thương mại, bảo hộ đầu tư được ký kết giữa các đối tác trong khu vực với nhau, giữa các đối tác trong khu vực với các đối tác bên ngoài khu vực. Trong mạng lưới đó, có những hiệp định quan trọng mang tính chất toàn cầu nhưng cũng có nhiều hiệp định song phương với quy mô tương đối nhỏ.

Các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế

Các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế

“Làm thế nào để các hiệp định ấy dễ hiểu, dễ dàng thực thi, được áp dụng hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, bảo vệ quyền của những con người yếu thế? Bởi, suy cho cùng hiệp định chỉ là công cụ do con người chúng ta tạo ra và nó phải góp phần làm cho thế giới của chúng ta phát triển theo hướng tốt đẹp hơn. Để giải quyết những câu hỏi đó, chúng ta cần những chuỗi hội thảo, chứ không phải chỉ một hội thảo”, TS Lê Trường Sơn đặt vấn đề.

Tiến sĩ Lê Trường Sơn phát biểu chào mừng các đại biểu dự hội thảo

Tiến sĩ Lê Trường Sơn phát biểu chào mừng các đại biểu dự hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Indonesia, Ma-rốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…

Tại đây, các đại biểu có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực thi những cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; có dịp đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước, các học giả, cố vấn pháp lý trong hoạt động thương mại - kinh doanh – đầu tư quốc tế…

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, 9 tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.

Có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 66,3% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD và 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD…

Ngoài ra, số lượng dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục