Khu vực APAC chiếm 24% số email độc hại trên toàn cầu
SGGPO
Điều này có nghĩa, cứ bốn thư rác được gửi đi trên toàn cầu thì sẽ có một thư rác đến từ máy tính ở APAC.
Một trong những nhà nghiên cứu cấp cao của Kaspersky, bà Noushin Shabab, đã nghiên cứu toàn cảnh mối đe dọa thư rác ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC) trong năm nay và nhận thấy tỷ lệ thư rác được các giải pháp của công ty phát hiện và ngăn chặn trong khu vực là 24%.
Thư rác độc hại không phải là hình thức tấn công phức tạp về mặt công nghệ, nhưng khi được thực hiện với các kỹ thuật xã hội tinh vi, chúng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Những thư rác này được gửi đi với số lượng lớn bởi những kẻ gửi thư rác (spammer) và tội phạm mạng – những kẻ đang tìm cách thực hiện một hoặc nhiều mục tiêu như: Kiếm tiền từ tỷ lệ phần trăm nhỏ người nhận thực sự có phản hồi; thực hiện lừa đảo để lấy mật khẩu, số thẻ tín dụng, chi tiết tài khoản ngân hàng…; phát tán mã độc vào máy tính của người nhận.
Năm 2022, có tới 61,1% thư rác độc hại được phát hiện trong khu vực đến từ Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia...
“Số lượng thư rác độc hại được phát hiện bởi các giải pháp của chúng tôi đã giảm dần sau khi đạt đỉnh vào năm 2019. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hộp thư của chúng ta an toàn hơn. Chúng tôi đã liên tục theo dõi các mối đe doạ từ những cuộc tấn công mạng có chủ đích (APT) hiện có và mới xuất hiện ở APAC, phần lớn tội phạm mạng sử dụng phương thức lừa đảo có chủ đích được gọi là spearphishing để đột nhập vào hệ thống của doanh nghiệp”, bà Shabab cho biết.
Để có thể tìm kiếm các dấu hiệu lừa đảo tiềm ẩn mà không làm giảm tính bảo mật thực tế của công ty, Kaspersky đề nghị các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cài đặt các giải pháp bảo vệ chống giả mạo trên các máy chủ email cũng như trên các máy trạm của nhân viên. Doanh nghiệp cũng nên sử dụng một phần mềm bảo mật nâng cao để có thể phát hiện các cuộc tấn công APT tinh vi. Đối với chính phủ, bà Shabab đề nghị xác định các quy định chi tiết hơn về thư rác để hạn chế rủi ro. “Khi ít nhận được email rác hơn, mọi người ít quen với việc nhận email không mong muốn hàng ngày và cảnh giác hơn khi họ bị các email độc hại nhắm đến…