Khu thương mại tự do Cần Giờ: Sức bật cho kinh tế TPHCM và cả nước

Khu thương mại tự do (FTZ) tại Cần Giờ thuộc Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được kỳ vọng tạo sức bật cho kinh tế TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.

Thúc đẩy kinh tế, du lịch…

Chia sẻ với PV Báo SGGP, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), nhấn mạnh, tập đoàn chủ động tham gia vào quá trình này, tập trung vào một số lĩnh vực điển hình. Đó là nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa của Cần Giờ; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện)...

k5a.jpg
Khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ du lịch tại huyện Cần Giờ. Ảnh: NGỌC CHI

Saigontourist Group hiện đã có Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Cần Giờ tọa lạc tại xã Long Hòa, gần vị trí phát triển Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, và Khu du lịch sinh thái Vàm Sát - vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Hai cơ sở dịch vụ du lịch này có thể được xem như sự “đón đầu” việc hình thành khu thương mại tự do tại Cần Giờ, một khi dự án này chính thức đi vào hoạt động. Đơn vị cũng có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng quy mô 2 cơ sở dịch vụ này phù hợp với thực tế, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nếu khớp lệnh được cung - cầu thì đây là cơ hội tuyệt vời để Saigontourist Group đẩy mạnh kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Song song đó, Saigontourist Group tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy quảng bá du lịch Cần Giờ.

Saigontourist Group hiện cũng là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ khách tàu biển quốc tế thông qua công ty con là Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Khi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cùng với các bến cảng mới, quy mô, hiện đại được đưa vào khai thác trong tương lai, Saigontourist Group sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu cho Cần Giờ và TPHCM trong lĩnh vực du lịch tàu biển. “Chúng tôi tin rằng, FTZ Cần Giờ sẽ tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển”, ông Phạm Huy Bình nói.

Để số khách sang, chi tiêu cao đến với TPHCM, trong đó có khu thương mại tự do Cần Giờ, chúng ta rất cần có hàng loạt điểm đến thú vị, hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn. Tại một cuộc họp mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho rằng, cần xây dựng trung tâm thương mại, mua sắm miễn thuế quy mô lớn… ngay tại Cần Giờ, vì thực tế mô hình này được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thực hiện thành công suốt thời gian qua.

Thêm nữa, có một thông tin rất tích cực ngay từ đầu năm đó là, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông ngầm từ trung tâm TPHCM đến Cần Giờ. Hệ thống này góp phần thúc đẩy giao thông đi lại, “kích hoạt” đưa đón các dòng khách trong và ngoài nước, nhất là nhóm khách chi tiêu cao đến với FTZ Cần Giờ.

Ưu đãi thuế phí, có chính sách đặc thù

Góp phần hiện thực hóa khu thương mại tự do Cần Giờ, các chuyên gia kinh tế, du lịch nhìn nhận nên có chính sách đặc thù ưu đãi đầu tư, thu hút khách đến… Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, đánh giá, khách Việt Nam nói riêng, quốc tế nói chung, thích mua sắm ở những nơi có đa tiện ích, điểm đến thuận tiện. Cách TPHCM khoảng 2 giờ bay, Singapore được nhiều “tín đồ” mua sắm hàng hiệu lựa chọn làm điểm đến trải nghiệm, mua hàng miễn thuế, giảm giá siêu ưu đãi, cùng hàng loạt hoạt động vui chơi, giải trí khác.

K1j.jpg
Du khách trải nghiệm du lịch tại huyện Cần Giờ (TPHCM). Ảnh: NGỌC CHI

Các chuyên gia kinh tế dẫn chứng, đảo quốc Singapore chọn 4 loại hình du lịch để phát triển, gồm du lịch mua sắm, du lịch vui chơi - giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm. Tất cả đều gắn với du lịch, thúc đẩy phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Nơi đây có các trung tâm hàng hiệu miễn thuế được thực hiện rất thành công, dù diện tích của đảo quốc này chỉ tương đương Phú Quốc (Kiên Giang, Việt Nam) và lượng khách quốc tế đến đây có tổng mức chi tiêu trung bình cũng cao vượt trội so với khách chi tiêu ở Việt Nam… Số liệu trước dịch Covid-19 cho thấy, mức chi tiêu trung bình cho cả chuyến đi của khách quốc tế tại Singapore là khoảng 1.200USD, trong khi khách chi tiêu tại Việt Nam chỉ 100-120USD.

Các khu thương mại tự do ở Singapore là những khu vực kinh tế được chỉ định đã mang lại hải quan thuận lợi và điều kiện về thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong đó. Có 9 khu thương mại tự do ở Singapore, tạo dấu ấn nhất trong số này là sân bay Changi và cảng Jurong. Tập đoàn sân bay Changi có một loạt dịch vụ mở rộng, cung cấp hơn 100.000m2 không gian nhà kho, văn phòng kết hợp, đủ sức xử lý khoảng 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm… Tương tự, mô hình FTZ tại Dubai cũng đã tạo động lực mạnh mẽ, giúp Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) phát triển vượt bậc.

Việt Nam có thể tham khảo từ mô hình của Singapore, Dubai… để áp dụng cho FTZ Cần Giờ. Thời gian qua, một số nhà đầu tư của Mỹ (từng đầu tư vào Casino Marina Bay Sand và khu Universal Studio tại Singapore) đã kết hợp một số đơn vị đến nghiên cứu, tìm hiểu điều kiện đầu tư khu Disneyland, khu giải trí casino, khu Factory Outlet ở TPHCM.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, khu thương mại tự do là một công cụ quan trọng để thúc đẩy thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế; mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội… Đây là mô hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam. TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chỉ ra rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, FTZ là khu vực kinh tế đặc biệt được thành lập bởi 2 hay nhiều quốc gia và khi hình thành cần có các chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, tự do lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia thành viên và các chính sách khác… Tuy vậy, nên nghiên cứu, tham khảo thêm các tài liệu thành lập FTZ trong nước và quốc tế để xác định chính xác, đầy đủ những thách thức mà Cần Giờ phải đối mặt khi hình thành FTZ.

Quy mô FTZ Cần Giờ đạt 1.000-2.000ha

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung “hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Cần Giờ”. Đề án này tập trung vào các trụ cột chính, gồm du lịch sinh thái, nông nghiệp thủy hải sản, logistics cảng biển và năng lượng tái tạo. Khi đưa vào vận hành, khai thác, đây sẽ là một “cú hích” lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Cần Giờ nói riêng và TPHCM nói chung. Quy mô dự kiến của FTZ Cần Giờ đạt 1.000-2.000ha, gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái.

Tin cùng chuyên mục