Khu tái định cư “5 không”

Khu tái định cư “5 không”

Hơn 1 năm nay, gần 20 hộ dân khu tái định cư ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh (TPHCM) phải chung sống với ô nhiễm môi trường và chịu cảnh “5 không”: không đường giao thông nội bộ, không điện, không nước sinh hoạt, không hệ thống cống thoát nước thải, không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất-quyền sở hữu nhà ở.

Khu tái định cư “5 không” ảnh 1

Một góc khu tái định cư ấp 2, xã An Phú Tây.
Ảnh: T.TRÂN

Chị Huỳnh Thị Mỹ Dung, được tái định cư ở đây gần 1 năm, cho biết: “Do không có cống thoát nước nên khi mưa dồn dập nước ngập sâu hơn 5 tấc, kéo dài nhiều tháng liền; mùa khô nước thải gây mùi hôi thối tràn ra mặt đường, làm cho gần 1km đường giao thông  tuyến Hưng Long - An Phú Tây bị hư hỏng nặng”.

Nước ngập quanh năm sinh ra muỗi, gây bệnh sốt xuất huyết, bệnh đường ruột trẻ em... Một lão nông than thở: “Mang tiếng sống ở khu đô thị mới, chẳng khác nào nhà ổ chuột”.

Khu quy hoạch biệt thự nhà vườn ở ấp 2 xã An Phú Tây, được huyện chính thức công bố từ tháng 10-1992, là một trong 5 khu định cư trong vùng quy hoạch 2.800 ha của huyện Bình Chánh và quận 7, do Công ty cổ phần Nam Sài Gòn đầu tư xây dựng, giúp 70 hộ dân tại chỗ và khoảng 300 hộ dân được tái định cư. Theo thiết kế, khu biệt thự, nhà vườn này có quy mô 47ha, mỗi hộ được nhận từ 100-300m2 để xây dựng biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà liên kế...

Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh giúp cho người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, gần 13 năm qua, khu tái định cư ở ấp 2 xã An Phú Tây mới được san lấp mặt bằng 30ha, còn 17ha đang tiến hành đền bù giải tỏa. Người dân đã tự lắp đặt cống thoát nước, tự làm đường vào nhà, tự thuê mướn kéo điện, đổi nước về để sinh hoạt.

Đáng nói, nhiều hộ dân đã nhận được tiền đền bù xài hết tiền, nhưng không còn ruộng đất sản xuất, không có phương tiện sinh sống tại khu vực tái định cư. Trước tình hình như vậy, hiện nay có 30 hộ đã nhận nền đất vẫn không dám bỏ tiền xây dựng nhà, vì nơi đây vẫn còn là một bãi đất hoang, cỏ mọc quanh năm. Chẳng những vậy, hầu hết các hộ dân được tái định cư đến nay vẫn chưa được đơn vị đầu tư cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà - quyền sử dụng đất.

Ông Phan Văn Tư, Phó Chủ tịch HĐND xã An Phú Tây, cho biết chính quyền địa phương có công văn kiến nghị với đơn vị đầu tư, nhưng từ năm 2003 đến nay, người dân chỉ nhận được lời hứa giải quyết.

MINH TÂM

Tin cùng chuyên mục