Khu phố chợ trên những hố bom

Một buổi tối, tôi nhận được cuộc điện thoại lạ. Còn đang suy nghĩ với số máy lạ hoắc, đầu bên kia, giọng nói vồn vã cất lên: “Anh C. phải không. Tôi là Sâm, Nguyễn Sâm, anh còn nhớ tôi không?”.
Khu phố chợ trên những hố bom

Một buổi tối, tôi nhận được cuộc điện thoại lạ. Còn đang suy nghĩ với số máy lạ hoắc, đầu bên kia, giọng nói vồn vã cất lên: “Anh C. phải không. Tôi là Sâm, Nguyễn Sâm, anh còn nhớ tôi không?”.

 Trời đất, hỏi mà như đánh đố, làm sao mà biết được. Thấy tôi im lặng, người ở đầu dây kia nói tiếp: “Sâm Q16 mà anh viết trong tập Những ngôi sao trên bầu trời ven đô ấy mà. Nhớ chưa?”. “À, nhớ rồi. Chuyện từ hồi Mậu Thân. Sao anh biết số điện thoại tôi mà gọi tới?”, tôi hỏi lại. Anh Sâm hồ hởi kể tiếp: “Đó là nhờ anh Đinh Phong. Anh Phong cho tôi số điện thoại của anh. Tôi muốn tới thăm anh. Được không?”. “Ồ, vậy vui quá. Vậy sáng mai nhé”. Tôi xin đọc địa chỉ để anh biết. Ghi địa chỉ xong, anh Sâm lại yêu cầu: “Tôi muốn đi thăm lại những nơi mà hồi Mậu Thân, Trung đoàn 16 chúng tôi đánh ở Gò Vấp, anh có thể giúp được không?”. Tôi vội nói để anh an lòng: “Vâng, chỗ tôi ở cũng gần chỗ anh yêu cầu. Ta cứ gặp nhau rồi tính, anh ạ”.

Sáng hôm sau, chiếc xe ôm dừng ở cửa nhà, tôi thấy một ông già râu tóc bạc phơ bước xuống. Chúng tôi ôm lấy nhau, tôi than phiền một cách vui vẻ: “Thế này thì làm sao nhận ra được. Chuyện cũ thì đã lâu, mà bây giờ cụ râu ria thế này, bảo nhìn ra thật còn khó hơn cả… chiếc nón kỳ diệu”. Anh Sâm cười lớn hỏi tuổi tôi, rồi anh nói: “Thế ra tôi với anh cùng tuổi. Đinh Sửu, tuổi con trâu, vất vả lắm đấy”. Anh cho biết, chuyến này vào thăm, thắp hương cho các đồng đội cũ ở nghĩa trang liệt sĩ.

Sau giải phóng, anh đã nhiều lần vào thành phố, đi tìm, gom hài cốt đồng đội, đồng chí, nhất là thời kỳ đánh vào thành phố hồi Mậu Thân. Gần đây anh mới được biết địa chỉ nhà anh Đinh Phong để tới thăm. Hồi năm 1967, Mỹ mở trận càn lớn Junction City đánh vào Trung ương Cục ở Tây Ninh. Hồi ấy Q16 (Trung đoàn 16) là đơn vị chủ công trong đội hình Sư đoàn 9 đánh những trận thắng lớn ở Sóc Con Trăn, Đồng Pan, Bàu Ba Vũng… Anh Đinh Phong có làm phim tài liệu, ghi lại những trận đánh lịch sử này. Và lúc đó anh Sâm đã được anh Đinh Phong ghi lại nhiều hình ảnh chiến đấu trong phim.

Chợ Hạnh Thông Tây xây dựng trên khu vực trước đây là hố bom Mỹ.

Tới thăm nhà anh Đinh Phong, tình cờ anh thấy cuốn tiểu thuyết Đất Thổ của tôi. Cầm lên xem, đọc thoáng qua thấy có nhiều đoạn nói về Q16 và ở bìa có ghi tập truyện ngắn Những ngôi sao trên bầu trời ven đô. Anh Sâm thích thú quá, vì ở tập truyện đó có nói về anh thời kỳ đánh vào Sài Gòn năm Mậu Thân. Anh Đinh Phong cho anh Sâm số điện thoại của tôi. Nhờ đó mới có cuộc gặp lại lý thú này.

Sau đợt một tấn công Mậu Thân, Phân khu một (thuộc Khu Sài Gòn - Gia Định cũ) có tổ chức Hội nghị Chiến sĩ thi đua nhằm tổng kết và biểu dương thành tích xuất sắc của các đơn vị và chiến sĩ tham gia đợt tiến công vào Sài Gòn. Hội nghị được tổ chức ở Bầu Khai, bên bờ sông Thị Tính thuộc huyện Bến Cát, Bình Dương. Tôi và anh Hải Lý (Lê Đăng Bảng) phụ trách tờ báo “Ngọn cờ Gia Định” có tới dự.

Ngày ấy, anh Nguyễn Sâm là chiến sĩ tiêu biểu, có nhiều thành tích, được mời lên tham gia ngồi trên chủ tịch đoàn và báo cáo thành tích. Giờ nghỉ trưa, chúng tôi giăng võng gần chỗ anh Sâm để khai thác chuyện chiến đấu. Anh cho biết là người Hà Nội và đang làm kế toán thì đi bộ đội, vào Trung đoàn 16 và đợt tổng tấn công vừa qua anh đã chiến đấu xuất sắc ở ven đô các trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, đánh chiếm đoàn dù ngụy ở Nhà máy bột Thiên Hương, Tân Thới Hiệp. Và nhất là thời kỳ bám trụ ở Vườn Cau đỏ, Thạnh Lộc, đánh lui nhiều tiểu đoàn lính Mỹ. Sau đợt một, anh được bình bầu Chiến sĩ Quyết thắng và đi dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn phân khu.

Sau hội nghị, chúng tôi về viết và tập hợp lại cho in thành tập Những ngôi sao trên bầu trời ven đô. Không ngờ những bài viết nóng hổi không khí chiến sự đó lại ghi sâu mãi vào lòng người đến vậy.

Anh Sâm có một trí nhớ rất tốt. Anh có thể đọc lại từng đoạn văn chúng tôi viết về anh làm tôi thán phục đến kinh ngạc. Đọc xong, anh Sâm hỏi: “Tập sách đó, anh còn giữ được không? Hiện nay có còn không? Nếu còn nên tái bản, thú lắm đó”.

Tôi cười buồn: “Rất tiếc do chiến tranh, mất hết cả. May mà còn ghi được vài đoạn trong lòng người, như anh vừa đọc lại đó”. Thấy anh Sâm có vẻ thoáng buồn, tôi bảo: “Thôi, sách thì không còn, nhưng trận địa cũ vẫn còn. Giờ tôi cùng anh đi thăm lại chiến trường xưa. Anh có nhớ cái đêm đầu tiên của cuộc tổng tiến công, trung đoàn mình đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất không. Trận đó cậu Sậy lính trinh sát, người Quảng Bình có giọng ngâm thơ rất truyền cảm, đã hy sinh trong tư thế đứng nâng hàng rào cho anh em vào”.

Anh Sâm gật đầu: “Nhớ, nhớ. Hồi đó tụi mình đánh phía Bắc sân bay. Còn phía Nam là Tiểu đoàn 6 Bình Tân. Sáng lúc rút lui về vườn của ông Trịnh Đình Thảo, máy bay phản lực Mỹ mò theo dấu đuổi theo, ném bom vuốt đuôi, nhưng tụi mình đã về giăng võng trong vườn măng rồi”. Quả là một trí nhớ tuyệt vời. Anh nhớ kỹ đến từng chi tiết. Nghĩ vậy, tôi bảo: “Giờ tôi với anh, ta đi thăm lại cái trận địa bom mà hồi đó Mỹ thả xuống nhé”.

Chúng tôi cùng nhau thả bộ bên đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Dưới lòng đường, dòng xe máy và ô tô các loại tuôn chảy không ngừng. Chốc lát trên đầu lại nghe tiếng xè xè xiết vào không khí, tiếng máy bay đang hạ dần độ cao, hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Tới khu vực phường 10 quận Gò Vấp, tôi chỉ cho anh thấy căn nhà ba tầng, có dòng chữ lớn: “Cà phê sân thượng” và hỏi: Anh có thấy cái dòng chữ này có liên quan gì đến sân bay không. Anh Sâm cúi đầu suy nghĩ một lát, rồi lắc đầu ngượng nghịu, buông ra một câu gọn lọn: “Chịu!”. Tôi rủ: “Ta lên đó làm chầu cà phê, ngồi ngắm máy bay lên xuống. Cà phê sân thượng mà!”.

Anh Sâm lúc đó mới gật gù, ra chiều thấm ý: “Ra vậy. Đúng là dân Sài Gòn nhạy bén với làm ăn thật”. Nhưng rồi anh lại lắc đầu: “Giờ tôi chỉ muốn tới xem lại cái trận địa bom mà Mỹ nó thả vuốt đuôi chúng tôi ngày ấy”. Rồi với vẻ trầm ngâm, anh nói: “Đi một bước thong thả ở đây ngày hôm nay, tôi lại nhớ những bước chạy hối hả cho kịp với giờ G của cuộc tổng tấn công ngày ấy. Q16 chúng tôi, đã có biết bao đồng chí, đồng đội nằm lại ở cửa ngõ sân bay này”.

Từ phía trong xa xa, một chiếc máy bay đang ngóc đầu cất cánh. Nó đang lấy độ cao, vươn lên trên nền trời xanh cao vời vợi.

Đi thêm một đoạn nữa, tôi đưa anh rẽ ngoặt xuống khu chợ Hạnh Thông Tây. Tưởng tôi dắt đi mua đồ, anh lắc đầu, hối thúc: “Cứ xem cái trận địa cũ cái đã. Còn chuyện khác, tính sau”. Tôi không nói, cứ lầm lũi dắt anh vào giữa nhà lồng chợ. Lúc đó khoảng 9 giờ sáng. Chợ đang đông, người chen nhau. Tôi để anh lách sang một bên dòng người, nói: “Đây, cái trận địa bọn Mỹ ngày ấy là chỗ này”. Anh Sâm có vẻ không tin, trợn mắt hỏi: “Chỗ này ư?”. Tôi cười: “Vâng, chính xác là khu vực này”. Rồi tôi kể cho anh nghe: Trước đây, khu vực này là một đầm nước lớn. Bom Mỹ đã khoét những hố lớn, mưa xuống thành đầm nước. Nếu từ những năm cuối 1980 về trước, có việc phải đi đêm qua khu vực này một mình, ai cũng ngại. Vì nó vắng vẻ, thưa thớt nhà cửa. Ngày trước ở đây thuộc xã An Hội, sau giải phóng chia ra thành phường. Phường nhưng phần lớn dân vẫn làm nông nghiệp, trồng rau cải và nhất là hoa. Ở đây nổi tiếng là làng hoa của Gò Vấp. Chỗ chúng ta đang đứng là phường 11.

Đầu năm 1990, quận Gò Vấp có dự án xây dựng một khu dân cư ở ngay khu vực đầm nước này. Công việc giao cho Công ty Xuất nhập khẩu - Đầu tư 9 và Xây dựng Gò Vấp thực hiện. Công ty đã cho san lấp đầm nước, tôn nền cao lên rồi xây chợ, phân nền bán hoặc xây dựng nhà bán cho nhân dân.

Chúng tôi đi một vòng qua các khu dân cư. Những lô A, lô B được nối tới các lô G, lô L… nhà cao tầng mọc san sát. Thỉnh thoảng thấy có nhà treo biển công ty, cửa hàng… buôn bán tấp nập. Tôi nói: Đấy anh xem, chỉ cần có chủ trương đúng đưa ra để dân làm ăn hợp pháp, chỉ cần mười mấy năm từ khu đầm nước hậu quả của hố bom Mỹ giờ đã thành khu phố 13 của phường 11, một khu dân cư đông đúc nhanh chóng được thành hình. Ở đây có đủ cả: chợ, trường mầm non, công viên và rất nhiều công ty, cửa hàng buôn bán đông vui. Nơi đây về đêm càng náo nhiệt, vì là khu chợ đêm. Chợ họp tới gần 12 giờ mới tan. Nhưng từ 4 giờ sáng người ta đã nhóm họp buôn bán các loại hoa quả, trái cây từ miền Tây chở lên. Rồi từ 5 giờ sáng đã có nhiều người đi tập thể dục. Dẫn anh qua công viên, tôi bảo: Đây là nơi các cụ ông, cụ bà buổi sớm tập dưỡng sinh. Còn dưới đường chúng ta vừa đi thì tấp nập người tập đi bộ đến tận 8 giờ sáng mới nghỉ.

Qua chốt dân phòng, thấy có hàng ghế đá, anh Sâm rủ tôi ngồi tạm nghỉ. Trong lúc tôi nói chuyện với chú dân phòng, anh vào trong nhà, xem dãy bằng khen treo đầy trên vách. Thấy mấy bảng công nhận khu phố văn hóa của các năm qua, anh có vẻ thích thú, gật gù, tấm tắc, bước ra nói với tôi: Nề nếp lắm! Chỉ mới mười mấy năm mà từ những đầm nước, hố bom đã xây dựng, hình thành được một khu dân cư làm ăn phồn thịnh, nề nếp văn hóa thế này thật quý lắm. Nếu không tới, thật khó mà tưởng tượng nổi.

Rồi với vẻ trầm ngâm, anh nói: Sau trận đánh vào sân bay, chúng tôi rút về vườn cây của ông Trịnh Đình Thảo, lúc địch bung ra phản kích, lại lui về Vườn Cau đỏ ở Thạnh Lộc. Ở đó, chỉ có 16 anh em, chúng tôi đã trụ vững nhiều ngày, đánh lui hết tiểu đoàn Mỹ này đến tiểu đoàn Mỹ khác. Đấy là cái đoạn các anh viết chúng tôi là “những ngôi sao trên bầu trời ven đô”. Giờ tôi muốn thăm lại trận địa ở Vườn Cau đỏ. Nhưng trước khi đi, tôi muốn cùng anh chụp một kiểu ảnh ở nơi “chiến trường xưa” của chúng ta, xem nó thay đổi thế nào.

Tôi lấy máy ảnh đem theo, kéo anh vào một gian hàng gần chợ, nhờ người chủ chụp hộ. Chúng tôi đứng sát bên nhau như ngày nào, “Ngôi sao ven đô” của tôi giờ đã là một ông già gần tám mươi tuổi, râu tóc bạc trắng. Người chiến sĩ của Trung đoàn 16 hai lần anh hùng nở nụ cười hiền lành, mãn nguyện.

THẠCH CƯƠNG

Tin cùng chuyên mục