
Không giấy tờ nhà, không hộ khẩu và không điện, nước - đó là cuộc sống của hơn 100 hộ dân tại khu phố 4, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 TPHCM, phải chịu đựng trong suốt hơn 20 năm qua. Nhiều người gọi đây là khu phố “4 không” bởi nhiều năm nay các cấp chính quyền từ phường tới quận, rồi TP, trung ương cứ đẩy đưa trách nhiệm giải quyết cho nhau vì mỗi một chuyện - khu đất này cách nay hơn 10 năm bỗng dưng được quy hoạch thành đất quốc phòng. Sau đó, khu đất còn được quy hoạch chồng lên nhiều dự án khác đã đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh tạm bợ, không lối thoát…
Một khu đất, nhiều quyết định

Nhiều căn nhà trong “Khu quy hoạch quốc phòng” được xây dựng. Ảnh: H.N.
Khu phố trên có diện tích 2,996 ha thuộc một phần tờ bản đồ số 9 và số 10. Trước năm 1975, nơi đây được trưng thuê của các hộ dân làm khu quân sự. Sau năm 1975, nhiều gia đình chủ đất cũ dọn về sử dụng vào việc sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà ở. Ngày 20-3-1979, TP ký giấy phép sử dụng đất số 13/GPCĐ-79NN cấp toàn bộ khu đất trên cho đơn vị F.367 Phòng không, với thời gian sử dụng là 12 tháng. Trong giấy phép có nội dung: “Sau 12 tháng nếu không sử dụng đất hoặc sử dụng không đúng mục đích giấy phép sẽ bị thu hồi…”. Song đến hơn 14 năm sau, F.367 mới cử người đến tiếp nhận đất, dựng tạm một căn nhà nhỏ bằng vật liệu nhẹ và ra thông báo cho các hộ dân di dời, bàn giao đất. Không chấp hành yêu cầu trên, các hộ dân làm đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi. Trong lúc chờ giải quyết của các cấp chính quyền thì F.367 “tự giác” giao trả lại đất cho người dân canh tác.
Thế nhưng, đến năm 1995, F.367 lại căn cứ theo giấy phép sử dụng đất số 13, do UBND TPHCM cấp tạm từ năm 1979 để lập “sơ đồ quy hoạch vị trí đất quốc phòng”. Bản sơ đồ quy hoạch này được UBND huyện Hóc Môn ký trả lời bằng văn bản số 53/CV-UB ngày 15-2-1995, nêu rõ: “F.367 trước đây thực tế không sử dụng đất, chỉ vào tháng 7-1993 đơn vị mới đến lập một doanh trại nhỏ đóng quân và bị dân tranh chấp; những công trình trong sơ đồ quy hoạch do F.367 vẽ là không có thực; nếu không có nhu cầu quốc phòng, đề nghị để dân ổn định canh tác…”.
Tuy nhiên sau đó, F.367 đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 535/TTg-m ngày 15-7-1997 quy hoạch khu đất trên là đất quốc phòng. Tuy nhiên, theo Quyết định số 10629/KTST-QH ngày 4-9-1999 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khu đất trên lại được quy hoạch là đất khu dân cư, khu đất dự trữ phát triển, đường dự phóng, hành lang an toàn điện cao thế. Chưa hết, năm 2004 UBND quận 12 lại “chồng” lên quy hoạch khu đất này bằng Quyết định 121, thành đất công viên cây xanh, khu nhà ga xe lửa, tuyến đường xe lửa và tuyến đường song hành. Hiện nơi đây có 138 hộ dân sinh sống, cất nhà ở và chưa được hợp thức hóa nhà đất.
Quy hoạch nhưng vẫn được cấp “sổ hồng”?
Từ năm 1997 đến nay, UBND quận 12 liên tiếp gửi công văn lên TP, rồi Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Chính phủ đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo” tại khu đất này hơn 20 năm qua. Quan điểm của Bộ Tài nguyên - Môi trường là khu đất trên nếu không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng thì làm thủ tục bàn giao lại cho TPHCM để quản lý, bố trí sử dụng. Với trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn, UBND TPHCM đã nhiều lần có văn bản giao UBND quận 12 giữ nguyên hiện trạng, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất cứ trường hợp nào và ngăn chặn không để xảy ra việc mua bán, chuyển nhượng đất, xây dựng nhà trái phép trên khu đất này.
Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Theo phản ánh của nhiều người dân, tình trạng “mạnh ai nấy chạy” diễn ra khá phổ biến tại khu phố 4. Muốn có hộ khẩu, sổ đỏ, sổ hồng, giấy phép xây dựng, đồng hồ điện, nước…, có tiền là xong.
Ông Trần Văn Nghì có diện tích đất hơn 3.000m2, nhiều năm qua muốn tách thửa, chia đất cho con xây nhà ở cũng không được vì chính quyền không cho phép. Thế nhưng, ông phân lô, bán “giấy tay” cho gần 10 trường hợp thì có người lại “chạy” được sổ đỏ, rồi xin phép cất nhà. Ông Nguyễn Trung Cấp, tổ trưởng tổ 58A dẫn tôi đi một vòng khu phố, chỉ những căn nhà “chạy” được sổ đỏ, xây nhà 3, 4 tầng rồi “vô tư” chuyển nhượng. Trong khi phần lớn hộ dân trong khu phố phải sống trong cảh “4 không” hàng chục năm qua, trong đó có nhiều người dựng tạm mái tôn để ở thì bị UBND phường Tân Chánh Hiệp “cương quyết tháo dỡ”.
Người dân khu phố 4, phường Tân Chánh Hiệp đang tự hỏi: Không biết đến bao giờ mới hết cảnh sống “4 không”?
HOÀI NAM