Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi công, nhiều hạng mục vẫn đang dở dang, công trường “án binh bất động”.
Ngư dân thấp thỏm
Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt theo quyết định số 3770/QĐ-UBND ngày 27-11-2009 với mức vốn hơn 96 tỷ đồng, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm các hạng mục: luồng tàu khu neo đậu; đê chắn sóng, chắn cát; hệ thống cột báo hiệu, tín hiệu đường sông; nạo vét luồng tàu từ khu neo đậu đến cửa biển, san lấp mặt bằng…
Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo tránh trú bão cho hàng trăm tàu cá; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho ngư dân có địa điểm để neo đậu tàu thuyền; góp phần đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền vào tránh trú bão trong mùa mưa bão; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo cơ hội chuyển đổi nghề cho hàng trăm hộ dân…
Năm 2010, dự án được triển khai thi công trong niềm phấn khởi của hàng ngàn hộ dân ở xã Kỳ Hà và các địa bàn lân cận. Thế nhưng đến nay, đã hơn 8 năm trôi qua, dự án này vẫn dang dở, không phát huy được hiệu quả như mong muốn, nhiều hạng mục quan trọng vẫn chưa thi công, khiến tàu thuyền của ngư dân không có nơi tránh trú bão an toàn mỗi khi mùa mưa bão đến. Ngoài ra, luồng lạch ngày càng bị đất cát bồi lắng nghiêm trọng khiến tàu thuyền lớn không thể ra vào neo đậu được…
Ông Nguyễn Công (54 tuổi, ở xóm 9 Bắc Hà, xã Kỳ Hà, chủ tàu cá 24CV) cho biết: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhưng lại không thể tránh trú bão được đúng là nghịch lý. Nhiều hạng mục quan trọng vẫn chưa thi công, đặc biệt là chưa xây dựng tuyến đê chắn sóng và hệ thống đá kiềng 3 chân ở phía ngoài âu tàu nên mỗi khi có mưa bão về là tàu thuyền không thể vào đây trú ẩn được vì sẽ bị sóng biển đánh chìm hoặc hất văng lên bờ.
Do đó, tàu thuyền của ngư dân phải di chuyển đến các địa bàn khác để trú ẩn lánh nạn. Mặt khác, luồng lạch ngày càng bị đất cát bồi lắng quá cao khiến tàu thuyền ra vào gặp rất nhiều khó khăn và phải phụ thuộc thủy triều lên xuống, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, chi phí và hiệu quả khai thác trên biển.
“Để dự án này phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu, giúp ngư dân giảm chi phí, yên tâm bám biển lâu dài, phát triển hậu cần nghề cá, thời gian qua ngư dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và rất mong muốn dự án sớm được triển khai xây dựng tuyến bờ kè chắn sóng và nạo vét đất cát ở bên trong âu tàu neo đậu, nhưng đến nay mọi thứ vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vì thế cứ đến mùa mưa bão, mùa khô hạn là ngư dân lại thấp thỏm lo lắng”, ông Nguyễn Công chia sẻ.
Chưa biết bao giờ hoàn thành
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu là rất cần thiết và quan trọng mỗi khi có bão lũ xảy ra đối với 342 tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân xã Kỳ Hà, trong đó tàu đánh bắt công suất 90CV có trên 50 chiếc và cho nhiều ngư dân ở nhiều địa bàn lân cận. Tuy nhiên, tàu thuyền của bà con ngư dân chưa thể vào đây tránh trú bão an toàn mà phải vất vả di chuyển đến địa bàn khác ở phường Kỳ Trinh, xã Kỳ Hưng, xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh); xã Kỳ Hải, Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh)… cách 2-4km để trú ẩn.
Theo ông Lê Văn Luyện, dự án là phải có kè chắn sóng ở phía ngoài đảm bảo chắn được cấp gió 12, tuy nhiên trong thực tế hiện tại bờ kè này chưa có, bên trong âu lại bị bồi lắng. Trong cơn bão số 10 (năm 2017), tàu thuyền không thể vào đây neo đậu được, nếu đậu ở đây thì 100% sẽ bị hư hỏng vì âu tàu trú bão này đối diện với Cửa Khẩu của thị xã Kỳ Anh nên tất cả các con sóng lớn ở ngoài biển đều đổ vào âu trú bão. Vì vậy, việc xây dựng tuyến bờ kè có đá 3 kiềng chắn sóng và nạo vét bên trong âu là hết sức cấp bách. Thời gian qua, địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND thị xã, UBND tỉnh và cả đại biểu Quốc hội… nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo một cán bộ Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản, thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, dự án đầu tư xây dựng công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu chậm tiến độ vì nguồn vốn bố trí hàng năm không đủ. Việc thực hiện giai đoạn 2 của dự án là hết sức cần thiết, nếu không thực hiện sớm thì khi đến mùa bão lũ chính vụ, tàu thuyền của bà con ngư dân vào âu sẽ bị ách tắc và khó khăn. Vừa rồi theo quyết định số 3713 của UBND tỉnh, dự án được bàn giao lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT, nên đến thời điểm hiện nay Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản không được giao trách nhiệm thực hiện dự án này nữa…