Theo ông Salvador Illa, lãnh đạo mới của vùng, khoảng 1,3 tỷ EUR đã được chi cho các dự án xây dựng thêm nhà máy khử muối nước biển mới ở phía Bắc Costa Brava và nhà máy lọc nước thải. Các dự án đang chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ Tây Ban Nha. Ngoài ra, còn một dự án khác liên quan đến việc chuyển hướng nước thải từ sông Besòs sang sông Llobregat để có thể sử dụng ở đó trong khi các nhà máy xử lý nước Besòs đang được xây dựng. Công việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải ở Mataró và Figueres cũng đang được tiến hành để giúp bổ sung nước ngầm và sử dụng trong nông nghiệp.
Catalonia đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán cho khu vực 6 triệu dân, bao gồm cả thành phố Barcelona. Các hồ chứa đã giảm xuống dưới 16% công suất sau 3 năm lượng mưa dưới mức trung bình. Các quan chức mô tả đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.
Chính quyền khu vực cũng cho biết lộ trình quản lý nước mới cũng sẽ cho phép chi một số tiền để sửa chữa đường ống bị rò rỉ lâu ngày ảnh hưởng đến các thành phố và khu vực lân cận. Các hạn chế về sử dụng nước đã được đưa ra bao gồm lệnh cấm đổ đầy nước vào hồ bơi và tưới nước cho cây cối. Người dân bị giới hạn sử dụng tối đa 200 lít nước mỗi ngày, trong khi các hạn chế tiếp theo được áp dụng đối với nông nghiệp và công nghiệp.
“Chúng tôi đã triển khai 1 mô hình quản lý mới từ tuyến tính sang tuần hoàn”, Silvia Paneque, Bộ trưởng Bộ Lãnh thổ, Nhà ở và Chuyển đổi sinh thái, cho biết khi kế hoạch được công bố. Có 2 điểm chính trong chiến lược quản lý nước mới. Đầu tiên, Catalonia có thể lấy 70% lượng nước tiêu thụ từ các nguồn không phải là hồ chứa vào năm 2027.
Hiện tại, chỉ có 33% lượng nước mà khu vực này tiêu thụ đến từ các nguồn không phải là nước mưa. Thứ hai là việc bổ sung các kế hoạch vận chuyển nước thải từ Besòs đến Llobregat để xử lý sao cho nước có thể uống được và phân phối. Không giống như kế hoạch cũ, kế hoạch quản lý mới không bao gồm tiền phạt các thành phố tiêu thụ quá nhiều nước.
Theo The Guardian, các quan chức ở Catalonia đã phát động 1 hoạt động được mô tả là phi thường nhằm dọn sạch tới 1,5 tấn cá/ngày tại hồ chứa nước Pantà de Sau với hy vọng cứu vãn nguồn nước uống. Bất kỳ loài cá xâm lấn nào được đánh bắt trong hồ chứa sẽ bị tiêu hủy, theo quy định của địa phương về các loài ngoại lai, trong khi các loài cá có nguồn gốc bản địa trong khu vực sẽ được thả vào vùng nước gần đó. Có tới 60 tấn cá có thể đang sống trong vùng nước của hồ chứa Pantà de Sau, trong đó ước tính 80% được cho là loài xâm lấn.
Theo tờ El Periódico, khối lượng cá xâm lấn từ cá trê, cá chép và cá rô phi được gửi đến 1 doanh nghiệp địa phương, nơi có thể được sử dụng để tạo ra nhiên liệu sinh học hoặc phân bón. Các quan chức cũng đang dần chuyển lượng nước còn lại sang một hồ chứa gần đó để giảm thiểu nguy cơ nước bị ô nhiễm khi hồ chứa cạn nước.