Khu du lịch cộng đồng Nam Ô: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản
SGGPO
Sở Du lịch TP Đà Nẵng vừa đề xuất tờ trình, xin ý kiến UBND TP về Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Với diện tích nghiên cứu khoảng 115 hecta, đề án nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương, khai thác du lịch kết hợp sản phẩm làng chài, trải nghiệm biển Đà Nẵng. Theo đề án, thành phố sẽ nghiên cứu, phát triển 8 sản phẩm du lịch tại khu vực.
Du khách có thể chụp ảnh và đi bộ tham quan tại Ghềnh Nam Ô
Cụ thể như: Trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng; Tắm biển ở bãi tắm Nam Ô; Tham quan tìm hiểu câu chuyện về các di tích; Tham quan bảo tàng ốc và trải nghiệm các hoạt động văn hóa; Tham quan các làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực địa phương Nam Ô; Chụp ảnh tại khu vực ghềnh Nam Ô; Dịch vụ lưu trú homestay trải nghiệm tại nhà dân, tham quan làng bích họa và đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô.
Mô hình tham quan bảo tàng ốc
Du khách tham quan Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô
Du khách có thể thưởng thức đặc sản Gỏi cá Nam Ô
Thời gian đến, UBND TP Đà Nẵng sẽ vận động người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, Sở Du lịch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn du lịch cho cộng đồng dân cư để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Khoảng 40 hộ dân được đào tạo thực hiện hoạt động du lịch trải nghiệm trên thuyền thúng cho du khách ngắm bình minh, hoàng hôn vịnh Nam Ô.
Đây là nơi tổ chức hoạt động du lịch trải nghiệm trên thuyền thúng cho du khách đi tham quan ngắm cảnh trên vịnh Nam Ô
Ông Nguyễn Thành, giám đốc chiến lược công ty CP Trung Thủy, chủ đầu tư dự án KDL Nam Ô phát biểu trong buổi đề xuất
Được biết, dự án do Công ty Cổ phần Trung Thủy - thuộc Tập đoàn Trung Thủy (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) làm chủ đầu tư. Ngoài những lợi thế về vị trí, tài nguyên thiên nhiên được “ban tặng”. Ông Nguyễn Thành, giám đốc chiến lược công ty CP Trung Thủy, chủ đầu tư dự án khu du lịch Nam Ô cho biết, người dân là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất. Người dân Nam Ô có thể phát triển kinh doanh, tăng thu nhập từ hoạt động du lịch, tránh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hiện hữu và phát huy những di sản truyền thống. Khi phát triển du lịch, người dân sẽ tự hào khi giới thiệu những truyền thống mà cha ông để lại và nét đẹp của vùng đất đến khách du lịch.
Người dân Nam Ô tự quảng bá những truyền thống, nét đẹp mà cha ông để lại
“Công việc này không ai làm tốt hơn người dân Nam Ô tại vì đây là nơi họ sinh ra và lớn lên, đối tượng hiểu biết nhiều nhất trải qua bao nhiêu thế hệ.”, ông Nguyễn Thành nhìn nhận.
Mặt khác, để phục vụ khách du lịch, cơ sở hạ tầng là yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng du lịch cộng đồng. Công ty Cổ phần Trung Thủy sẽ đầu tư những hạng mục công cộng bao gồm thuyền thúng, nhà chờ, bãi tắm, nhà xe, nhà vệ sinh, nơi nghỉ chân... Ngoài ra đơn vị còn hỗ trợ, đào tạo người dân chuyển đổi thuyền thúng để phát triển du lịch hơn là đánh bắt hải sản góp phần đảm bảo nguồn lợi thủy hải sản gần bờ. Trong 6 tháng đầu, công ty Cổ phần Trung Thủy tài trợ kinh phí 5 triệu đồng/tháng cho mỗi hộ dân hoạt động thuyền thúng. Đại diện Công ty cũng cam kết đầu tư, xây dựng những tiện ích trong khu công cộng. Sau khi đầu tư, tập đoàn sẽ giao lại cho thành phố quản lý, sẽ không phí đối với người dân.
“Hiện nay, khách du lịch có xu hướng đi đến những nơi cổ, vùng quê để trải nghiệm hơn là những khu vực phát triển dịch vụ giải trí sôi động. Chúng tôi mong muốn xây dựng Nam Ô thành một điểm du lịch công đồng tiềm năng mang tính chất hoàn toàn thuộc về tự nhiên trong thành phố Đà Nẵng sôi động.”, ông Nguyễn Thành chia sẻ.
Dinh Cô Hồn Nam Ô
Được biết, khu du lịch Nam Ô có nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với các câu chuyện, các lễ hội. Điển hình như, lăng Ngư Ông, miếu Ngư Ông, miếu Bà Liễu Hạnh, mộ Tiền Hiền, giếng vuông, đình làng Xuân Dương,... là tài nguyên du lịch quý giá để giúp thu hút du khách.
Lăng Ô Nam Ô (Phía trong)
Miếu bà Liễu Hạnh (phía ngoài)
Ngôi mộ Tiền Hiền làng Nam Ô
Di tích văn hóa, lịch sử là những nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, vì vậy ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng nhấn mạnh, việc phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô dựa trên cơ sở bảo tồn di tích.
“Đặt vấn đề quản lí di tích lên hàng đầu, chúng tôi sẵn sàng chấm dứt hoạt động du lịch nếu như hoạt động du lịch không góp phần tôn tạo đối với di tích.”, ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ.
Theo đề án, UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Liên Chiểu làm đơn vị chủ trì đề án, tổng mức đầu tư đề án gần 26 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm 9,9 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý II năm 2020. Tại buổi đề xuất, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, việc tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp vào dự án, cần phải làm rõ mô hình hoạt động, vấn đề khai thác tài nguyên cũng như quản lý, vận hành các mô hình du lịch.
“Sau khi đưa vào khai thác khu du lịch tại Nam Ô, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu theo đúng quy định. Về lâu dài, tôi nghĩ nên chuyển về cho UBND quận Liên Chiểu khai thác sẽ hợp lý hơn. Không phải cứ doanh nghiệp hỗ trợ thành phố rồi sau này lấy đó làm cơ sở tranh quyền quản lý dự án, như vậy là trái quy định.”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết.