Khu đô thị sáng tạo phía Đông: Tiền đề mới để tăng trưởng

Việc phân tích cả khu Đông dưới lăng kính tổng thể, liên tưởng đến một hệ sinh thái khép kín. Việc kết nối chặt chẽ, hiệu quả các khu chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao có thể được thực hiện qua nhiều phương thức. 

Khu đô thị sáng tạo phía Đông: Tiền đề mới để tăng trưởng ảnh 1 Kẹt xe là một thách thức trong việc hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông của TP. Trong ảnh: Kẹt xe trên đường Đồng Văn Cống (quận 2). Ảnh: QUANG HUY
Tại hội nghị cán bộ TPHCM quán triệt kết luận số 21 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân có nêu kế hoạch hình thành một khu vực trung tâm làm hạt nhân cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.
Khu đô thị này được hình thành từ sự kết nối giữa quận 9 (có Khu Công nghệ cao) với quận 2 (có khu đô thị mới, trung tâm tài chính hình thành trong tương lai) và quận Thủ Đức (có 12 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM với 1.500 tiến sĩ, hơn 70.000 sinh viên) là tiền đề quan trọng cho kế hoạch đầy tham vọng này của TP.
Khu vực này có hạ tầng giao thông phát triển (giáp với trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), nhiều dự án nhà ở liền kề kết hợp với các khu thương mại mua sắm. Điều này tạo ra những ưu thế đặc biệt của khu Đông của TP. Cạnh đó, với mật độ dân cư cao (các quận 2, 9 và Thủ Đức có diện tích 211,73km2, dân số gần 1 triệu người), đang trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.
Tiềm năng của khu này còn là nơi đón đầu các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính - tín dụng) với trục tâm điểm khu đô thị mới Thủ Thiêm, các khu công nghiệp công nghệ cao (với hai khu chế xuất là Linh Xuân, Linh Trung và Khu Công nghệ cao), Khu liên hợp Thể thao Rạch Chiếc (trái tim của kế hoạch đăng cai SEA Games 31 tại TPHCM vào năm 2021) và đô thị đại học, khởi nghiệp sáng tạo (hạt nhân là Đại học Quốc gia TP).
Việc phân tích cả khu Đông dưới lăng kính tổng thể, liên tưởng đến một hệ sinh thái khép kín. Việc kết nối chặt chẽ, hiệu quả các khu chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao có thể được thực hiện qua nhiều phương thức. Những điều kiện này tương đồng với một số mô hình đô thị sáng tạo trên thế giới. Những nơi này có sự tập trung và liên kết với nhiều tác nhân thúc đẩy phát triển thường là các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty khởi nghiệp và vườn ươm.
Chẳng hạn như quảng trường Kendall ở Cambridge (Mỹ) - nơi có Trường Đại học MIT nổi tiếng hoặc khu đô thị ở Philadelphia, hội tụ nhiều cơ sở đào tạo giáo dục đẳng cấp quốc tế như đại học Pennsylvania, Đại học Drexel, Đại học Khoa học và Bệnh viện Nhi. Khu công nghệ cao One North với hệ sinh thái sáng tạo tiếp giáp Đại học Quốc gia Singapore (NUS), được thế giới biết đến như một viện đại học tốt nhất của Singapore và đứng đầu trong bảng xếp hạng 100 đại học tốt nhất châu Á (năm 2018). Gần Việt Nam, có khu đô thị sáng tạo Siam nằm trong lòng thủ đô Bangkok (Thái Lan)…  
Những khu vực này có chung đặc điểm, đó là sự tập trung của con người, của chất xám, của nghiên cứu, của đổi mới sáng tạo… được hỗ trợ bằng các nền tảng cơ sở hạ tầng thuận lợi, thân thiện. Quan trọng hơn, khu đô thị sáng tạo còn là nơi thực hiện những mô hình thử nghiệm tham gia quyết định các chính sách tại các quận - huyện trên địa bàn TP, vốn trước nay nặng về thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, thay vì được trực tiếp đóng góp ý kiến. Với đặc trưng kết nối người dân, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và cơ quan nhà nước, một không gian đô thị sống động cho các hoạt động sinh sống, học tập, làm việc, và hưởng thụ cuộc sống được định hình. Qua đó, sẽ mang lại động lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp; đồng thời, khích lệ các nhà khoa học và cán bộ quản lý nhà nước lắng nghe những phản hồi từ phía người dân và doanh nghiệp.
“Bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn từ các nước cho thấy, khu đô thị sáng tạo luôn gắn với các đại học nghiên cứu, đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp. Để làm tốt nhiệm vụ này, từ năm 2014, lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM đã có chủ trương xây dựng Khu công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP (ITP) thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP, làm nền tảng để triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng theo mô hình học tập trải nghiệm. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại ITP đã bước đầu hình thành và đạt được những kết quả nhất định, được lãnh đạo TP đánh giá cao và là một bước chuẩn bị tốt cho việc góp phần phát triển khu đô thị sáng tạo ở phía Đông”.
PGS-TS HUỲNH THÀNH ĐẠT,
Giám đốc Đại học Quốc gia TP

“Đô thị sáng tạo khác với các loại đô thị thông thường như đô thị thương mại, đô thị du lịch - văn hóa, đô thị hành chính - chính trị ở 2 điểm lớn. Thứ nhất, cư dân sống trong đô thị sáng tạo cần được sống trong một không gian thiết kế đô thị kích thích sáng tạo và cần không gian thể hiện các kết quả sáng tạo. Vì vậy, công tác quy hoạch, vùng không gian dự trữ cho việc thí điểm các ý tưởng phải khác đô thị thông thường. Thứ hai, sản phẩm của đô thị sáng tạo là những sản phẩm hoàn toàn mới. Do đó, việc cấp phép chạy thử, lưu hành lần đầu sản phẩm dịch vụ cần được rút ngắn. Ngoài ra, chính quyền của đô thị sáng tạo cần trở thành khách hàng đầu tiên ứng dụng các sản phẩm của những con người sáng tạo, để tạo cú hích thị trường và chính quyền đô thị sáng tạo sẵn lòng tự nguyện trở thành “phòng thí nghiệm” cho các ý tưởng sáng tạo mới. Ví dụ, muốn thử nghiệm xe tự hành cấp độ 5 thì với quy định của pháp luật giao thông đường bộ là không thể, nhưng trong đô thị sáng tạo thì có thể được dễ dàng cấp phép”.
PGS-TS VÕ TRÍ HẢO,
Trường Đại học Kinh tế TP

“Hiện nay trên thế giới có nhiều lý thuyết về phát triển đô thị, nhiều quan điểm phát triển khác nhau: TP sống tốt, TP có sức chống chịu và phục hồi, TP toàn cầu, TP phát triển bền vững, TP thông minh, TP sức khỏe… Tương ứng với đó là nhiều cách đánh giá, xếp hạng khác nhau, nhưng tựu trung là làm sao phục vụ con người ngày càng tốt hơn, chất lượng cuộc sống của cư dân được cải thiện. Nói cách nào đó, một đô thị sáng tạo là nơi mà những con người có thể gặp nhau, tương tác, làm việc và quan trọng nhất được hưởng thụ môi trường sống tốt, thúc đẩy trí tưởng tượng và các vấn đề khác nhau của sáng tạo”.
ThS LÊ VĂN THÀNH
(nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP)

Tin cùng chuyên mục