Đây là khu đất liên quan vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần đưa khu đất này ra đấu giá công khai, minh bạch để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Đề xuất nộp thêm tiền!
Theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (Công ty Mê Linh), công ty đang là chủ đầu tư khu đất này, là đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án xét xử ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) và 9 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án do TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và ban hành bản án ngày 22-4-2021. Công ty Mê Linh cho rằng, đơn vị là bên thứ 3 ngay tình, sử dụng đất hợp pháp và không liên quan đến các hành vi phạm tội của các bị cáo. Do đó, mong muốn được đóng cho Nhà nước số tiền 2.713 tỷ đồng, là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước để bổ sung chức năng ở cho dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, tiếp tục triển khai dự án.
Trước đó, cuối tháng 4-2021, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với vụ án liên quan khu “đất vàng” này. Về phần dân sự, bản án sơ thẩm 134-2021/HS-ST kết luận: Quy trình thoái vốn, chuyển quyền sở hữu và sử dụng tài sản khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng không đúng chủ trương của Nhà nước, khi thoái vốn không thông qua đấu thầu… là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng. Mặt khác, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín không tuân thủ nghị quyết của Chính phủ mà căn cứ các văn bản của Sabeco và Bộ Công thương, chấp thuận việc chuyển quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl không đúng đối tượng, không qua đấu giá, trái với các quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, cần thiết phải giao lại thửa đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TPHCM xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, cũng như đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Đất công phải được đấu giá
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM), cho rằng, theo bản án sơ thẩm, tòa án đã kết luận việc các bị cáo giao đất có thu tiền sử dụng đất là trái pháp luật. Hiện nay, các bị cáo đã kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Như vậy, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tòa án có thẩm quyền vẫn kết luận việc giao đất là trái pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ theo nội dung bản án để ban hành quyết định thu hồi đất theo điểm b khoản 1 Điều 16 Luật đất đai 2013.
“Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thu hồi đất từ doanh nghiệp, căn cứ theo Điều 114 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có kế hoạch sử dụng diện tích đất thu hồi nêu trên như sau: giao đất không thu tiền sử dụng đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất…”, luật sư Trần Minh Hùng cho biết. Trong đó, phương án xử lý đem lại nguồn lực tài chính tốt nhất cho cơ quan nhà nước là giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013, cơ quan nhà nước sẽ giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Theo luật sư Trần Minh Hùng, TPHCM từng tổ chức đấu giá thành công nhiều khu “đất vàng”, như vậy sẽ tránh tình trạng trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, mặc dù đã có nhiều luật, nghị định về quản lý, sử dụng tài sản công nhưng qua vụ án Sabeco có thể nhận thấy còn có sự buông lỏng quản lý, kiểm tra giám sát, hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, công sản. Mặt khác, các quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở để các cá nhân, pháp nhân lợi dụng “biến” tài sản công thành tài sản tư. Do đó, theo luật sư Trần Minh Cường, việc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi thu hồi trong các vụ án, trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết, vừa tạo ra mặt bằng giá thị trường công khai, minh bạch, vừa thu về số tiền cao nhất có thể cho ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia pháp lý, quy phạm pháp luật về quản lý tài sản công hiện nay khá chặt chẽ. Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (ban hành ngày 21-6-2017) quy định, tài sản công được hiểu là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. “Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp phải tuân theo các quy định có liên quan như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại tài sản công. Theo đó, chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định; trường hợp bán tài sản công phải thông qua đấu giá...”, luật sư Trần Minh Cường nhấn mạnh.