Khu dân cư xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi: mật độ xây dựng 25% - 30%

Nhiệm vụ Đồ án QHCT xây dựng đô thị 1/2.000 khu dân cư xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi vừa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. Theo đó, Sở QH-KT đã thống nhất với các nội dung về cơ cấu sử dụng đất như sau: đất dân dụng 135 ha (chiếm tỷ lệ 82,89% phạm vi quy hoạch), gồm đất ở khoảng 90 ha, trong đó có đất ở hiện hữu cải tạo chỉnh trang và đất ở xây dựng mới; đất công trình công cộng 9 ha, dự kiến xây dựng trường tiểu học, mầm non, trạm y tế, hành chánh.

Đất công viên cây xanh tập trung diện tích khoảng 18 ha bố trí trong các đơn vị ở và đảm bảo bán kính phục vụ cho các nhóm ở. Đất giao thông diện tích khoảng 18 ha đảm bảo yêu cầu về giao thông khu vực và kết nối định hướng phát triển hạ tầng khu vực.

Về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, Sở QH-KT thống nhất với các nội dung như sau: mật độ xây dựng 25% - 30%, tầng cao xây dựng 1 - 5 tầng, chỉ tiêu sử dụng đất ở khoảng 60m²/ng, đất CTCC 6m²/ng, đất giao thông 12m²/ng, đất cây xanh tập trung 2m²/ng.

Được biết, khu đất quy hoạch có diện tích 162,87 ha, phía Đông giáp khu công nghiệp dự kiến, phía Tây giáp đất nông nghiệp, phía Nam giáp đất nông nghiệp và khu công nghiệp dự kiến, phía Bắc giáp khu dân cư hiện hữu.

Á.T.

  • Phường Cầu Ông Lãnh, quận 1: chuyển đổi một phần đất ở thành đất công trình công cộng

Theo Đồ án nhiệm vụ quy hoạch phường Cầu Ông Lãnh, đất khu ở theo quy mô dự kiến có giảm xuống khoảng 0,89 ha chủ yếu là do tác động của các dự án chuyển đổi một phần đất ở thành đất công trình công cộng hay đất giao thông.

Đất CTCC tăng khoảng 0,51 ha (từ 1,91ha lên 2,42ha) để xây dựng mở rộng các trường học và xây dựng mới trường học trên các khu đất xí nghiệp, kho bãi sử dụng kém hiệu quả và một phần nhà ở lụp xụp. Các trường học mới có quy mô phục vụ không chỉ cho riêng phường Cầu Ông Lãnh mà cho một phần dân cư khu vực lân cận trong quận 1.

Hiện nay, trong phường gần như không có cây xanh, vì vậy dự kiến tổ chức mảng xanh dọc kênh Bến Nghé (theo dự án Đại lộ Đông-Tây) với diện tích khoảng 0,31 ha. Nếu tính cả phần diện tích cây xanh trong các dự án (tạm tính khoảng 0,39 ha) thì đề xuất này có tính khả thi và là giải pháp tối ưu trong giai đoạn đến năm 2010.

Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được đề nghị như sau: quy mô dân số toàn khu khoảng 16.500 người, chỉ tiêu sử dụng đất ở 4 - 5m²/người, đất công trình công cộng 1 - 2m²/người, đất cây xanh 0,1 - 0,2m²/người, đất giao thông 3 - 4m²/người, mật độ dân số khoảng 700 - 750 người/m².

Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, chọn tuyến đường Nguyễn Thái Học là trục cảnh quan cho khu vực. Phát triển cao tầng trên tuyến đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo và Đại lộ Đông Tây. Trong đó, tuyến đường Trần Hưng Đạo là trục thương mại – dịch vụ. Các chung cư cao tầng xây mới trên đường Nguyễn Thái Học và Đại lộ Đông Tây là điểm nhấn cho những tuyến đường này.

V.NG.

  • Bãi đậu xe và dịch vụ công cộng dưới công viên Lê Văn Tám: không được thay đổi chức năng công viên

Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa có một số ý kiến bổ sung của về quy hoạch - kiến trúc cảnh quan đối với dự án Bãi đậu xe và dịch vụ công cộng dưới công viên Lê Văn Tám, quận 1.

Theo đó, phần kiến trúc nổi và giao thông lên - xuống của công trình ngầm (làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng) bên dưới công viên Lê Văn Tám không được làm thay đổi tính chất công cộng của công viên cây xanh bên trên và không nên cắt dọc toàn bộ vỉa hè công cộng hiện hữu dành cho người đi bộ (hiện rộng khoảng 7 - 8m) để chỉ tạo một làn xe lưu thông xung quanh công viên. Sở QH-KT cũng đề nghị chỉ tập trung mở rộng diện tích tập kết xe ra - vào hầm ngay tại vị trí các cửa hầm lên xuống và có thể chia bớt một phần diện tích xuống tầng hầm thứ nhất.

Diện tích xây dựng ngầm công trình khoảng 2,92ha (xấp xỉ 50% tổng diện tích công viên) với mục tiêu giữ lại và tái trồng các cây lớn dọc biên của công viên Lê Văn Tám thì khoảng lùi của phần công trình ngầm cách lộ giới đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ và ranh đất còn lại cần đạt tối thiểu 25 - 30m.

Sở QH-KT cũng cho biết, theo ý kiến của một số chuyên gia Pháp về lĩnh vực công trình ngầm thì nên giảm diện tích sàn 1 tầng ngầm, tăng thêm số tầng ngầm để giảm chi phí đầu tư và bảo trì về lâu dài, vì đan bê tông tầng ngầm thứ nhất rất dày (1 - 1,5m) để đảm bảo đổ đất lên trên trồng cây được (lớp đất dày 2 - 2,5m).

Theo định hướng quy hoạch, dọc đường Hai Bà Trưng đoạn ngang qua công viên Lê Văn Tám sẽ hình thành tuyến metro số 4 (đi từ huyện Bình Chánh qua quận 4 - quận 1 - quận Phú Nhuận - quận Gò Vấp đến quận 12). Do đó, hầm ngầm công viên Lê Văn Tám cần tính toán đến khả năng kết nối trong tương lai.

Về diện tích phần công trình xây dựng nổi, Sở QH-KT đề nghị mật độ xây dựng chiếm đất của các công trình (gồm cả ram dốc ra vào hầm, giếng trời, sân trong thông tầng, cầu thang lên - xuống, v.v.) khoảng 8% trên tổng diện tích công viên. Công trình xây dựng phải đảm bảo tính chất cảnh quan của công viên công cộng.

Với mục tiêu thông thoáng tầm nhìn từ các trục đường xung quanh và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hoạt động thể dục - thể thao, nghỉ ngơi giải trí. Cao độ san lấp của công viên (sau khi hoàn tất công trình ngầm) so với cao độ vỉa hè hiện hữu tối đa khoảng 0,5 - 1m.

H.KH.

  • Dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài
    Phải hoàn tất bố trí tái định cư tháng 12 năm 2007

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín trong cuộc họp về tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Theo đó, Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND các quận có liên quan đến dự án kiểm tra, xác định nhu cầu quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư dự án trên từng địa bàn quận để cân đối, điều chuyển, chủ động xử lý, hướng dẫn việc tạo nguồn nhà, đất đảm bảo yêu cầu bố trí tái định cư của dự án trước tháng 12 năm 2007.

Ông cũng lưu ý rằng thành phố xem đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt, cần được phổ biến tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, kế hoạch thực hiện dự án trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân để tham gia, ủng hộ trong quá trình thực hiện. Do đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức chủ động xử lý theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án.

Được biết, trong thời gian sau ngày công bố phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, nếu hộ dân nào có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định để di dời trước thì UBND các quận sẽ lập thủ tục để chi trả theo quy định.

D.TH.

  • Khu dân cư liên phường 2, 3, 4, 9, 10, 11 (quận 10) có diện tích hơn 106 ha

Ủy ban nhân dân quận 10 vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị 1/2.000 khu dân cư liên phường 2, 3, 4, 9,10, 11.

Theo đó, khu dân cư liên phường này sẽ được cải tạo là chủ yếu và chỉ chỉnh trang, xây mới một phần nhỏ, có quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 sẽ là 86.000 người (hiện nay khoảng 80.000 người). Mật độ xây dựng chung từ 35% - 45%, hệ số sử dụng đất từ 0,3 - 5 lần, tầng cao từ 3 - 25 tầng.

Phương án bố cục, phân khu chức năng đối với đất ở là cải tạo và sắp xếp lại các khu ở hiện hữu ổn định trên cơ sở hiện trạng để hình thành một khu đô thị khang trang. Xây dựng mới các khu nhà ở, trong đó chú trọng đầu tư chung cư cao tầng (từ 18 đến 25 tầng) tại các khu quy hoạch theo dạng các đơn nguyên được ghép với nhau một cách hợp lý, sinh động, kết hợp với những khoảng xanh nhỏ xen cài, sân, bãi đậu xe.

Riêng khu nhà ở hiện hữu sẽ cải tạo theo dạng nhà phố liên kế, độ cao và kiến trúc mặt tiền bố cục hài hòa với nhau và với không gian chung.

Đối với đất công trình công cộng sẽ xây dựng mới trường tiểu học phường 3 tại khu đất góc đường Hòa Hảo - Sư Vạn Hạnh trong chung cư Ngô Gia Tự và trường mầm non phường 9 tại chung cư Ấn Quang. Các trạm y tế hiện hữu bố trí tại các phường, trong khu vực có Bệnh viện Nhi đồng phục vụ chung cấp thành phố.

Các trường THCS Sương Nguyệt Anh, trường Trần Nhân Tôn sẽ được mở rộng. Khu vực quy hoạch hiện trạng không có diện tích đất dành cho cây xanh nên hướng phát triển là tận dụng tổ chức các khu cây xanh, vườn hoa nhỏ trong các khu dân cư xây dựng và bố trí diện tích cây xanh tập trung khi xây dựng mới chung cư Ngô Gia Tự và Ấn Quang.

Thương mại dịch vụ sẽ được phát triển trên các trục đường chính và trong các chung cư xây dựng mới. Về giao thông, giữ lại các tuyến đường chính khu vực, ngoài ra sẽ mở thêm một số tuyến nội bộ phù hợp với nhu cầu thực tế của khu vực quy hoạch.

M.A.

Tin cùng chuyên mục