Bước sang năm 2018, cũng là qua 15 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đặt mục tiêu có được một vóc dáng khác - vóc dáng của sự phát triển chiều sâu. Điều đó đòi hỏi không chỉ giá trị công nghệ của nhà đầu tư mà phải đi kèm những dịch vụ giá trị cao. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, tình hình đầu tư của doanh nghiệp tại SHTP đến thời điểm hiện nay như thế nào?
Ông Lê Hoài Quốc: Sau 15 năm xây dựng và phát triển, SHTP đã là điểm đến cho 134 nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư đạt 7.021.686.752 USD. Việc thu hút thành công các dự án công nghệ cao uy tín từ các tập đoàn Intel (Hoa Kỳ), Nidec (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Nipro (Nhật Bản), Datalogic (Ý), Sanofi, Schneider Electronics (Pháp)… đã góp phần đưa TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung có tên trên bản đồ công nghệ cao thế giới.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP
Có thể thấy, sản lượng công nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp tăng nhanh và bền vững qua các năm, do bản chất các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp đúng theo tiêu chí sản phẩm công nghệ cao, có tính cạnh tranh toàn cầu. Hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển (R&D) trong cơ cấu giá trị sản phẩm tăng dần, vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm tại các khu công nghiệp cả nước.
Cụ thể hơn, đóng góp cho nền kinh tế địa phương, cả nước ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2020 sẽ đóng góp trên 10% GRDP của TPHCM. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp và kinh phí của từng doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D tăng dần trong các năm gần đây. Tiêu biểu như Intel, Jabil, Datalogic, Nidec Sankyo, Nanogen, FPT… (33/68 doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP đã triển khai đầu tư cho R&D). Năm 2017, đánh dấu SHTP đã qua giai đoạn phát triển, bắt đầu hình thành Đô thị Khoa học với tiềm lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tăng mạnh trong các năm tới đây.
lVới chính sách thu hút mới, doanh nghiệp muốn được cấp phép vào SHTP đòi hỏi đáp ứng nhiều tiêu chí mới có phần khắt khe, chọn lọc hơn?
SHTP là một khu kinh tế - kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao. Do đó, dự án thu hút đầu tư vào SHTP có 3 điểm khác biệt so với dự án vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đó, thứ nhất, dự án thuộc lĩnh công nghệ cao thuộc 4 nhóm ngành: vi điện tử, quang điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; cơ khí chính xác và tự động hóa, chế tạo robot; công nghệ sinh học áp dụng trong lĩnh vực y tế và môi trường; vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng mới… đều từ các công ty, tập đoàn có công nghệ nguồn. Thứ hai, dự án đáp ứng tiêu chí công nghệ cao (Thực tế hiện nay, các dự án đầu tư vào SHTP đều đáp ứng hoặc có tiêu chí công nghệ cao cao hơn so với quy định). Thứ ba, dự án đầu tư có ý nghĩa góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho SHTP như: tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào; hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; dự án đầu tư đáp ứng nhu cầu sống, làm việc, học tập và nghiên cứu của người làm việc trong SHTP.
Vậy SHTP sẽ chọn khu vực nào làm điểm nhấn để gia tăng giá trị công nghệ?
Với nền tảng hoạt động sản xuất công nghệ cao đã được hình thành, hoạt động ổn định và phát triển tại SHTP hiện hữu, thì SHTP 2 sắp tới sẽ là một Khu Công viên khoa học công nghệ của thành phố. Ngoài các dự án trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ, SHTP 2 sẽ tập trung thu hút dịch vụ giá trị gia tăng cao, như: các vườn ươm công nghệ cao, tài chính, quỹ đầu tư và sàn giao dịch công nghệ, trung tâm triển lãm các thành tựu công nghệ,… nhằm hình thành một môi trường thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất cả nước và ngang tầm khu vực.
Điều này đòi hỏi Ban quản lý SHTP phải đổi mới công tác điều hành và quản lý ra sao để thích ứng?
SHTP đã đặt ra tầm nhìn và sứ mệnh cho 15 năm phát triển tiếp theo là trở thành Khu Công viên khoa học - Một đô thị KH-CN phát triển hàng đầu trong các nước ASEAN theo đầy đủ các tiêu chí. Nơi đây thực hiện sứ mệnh tập hợp nguồn lực cơ sở vật chất và công nghệ để thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu - đào tạo - ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; thương mại hoá sản phẩm công nghệ cao... Do đó, Ban quản lý SHTP đã và đang tích cực đổi mới cải cách hành chính, tin học hoá quản lý điều hành theo mô hình thành phố thông minh, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ.
Ban quản lý cũng sẽ đề xuất với lãnh đạo thành phố để có cơ chế ủy quyền mạnh mẽ hơn, áp dụng thủ tục hành chính một cửa và một cửa liên thông trong công tác cấp phép, cấp chứng nhận cho doanh nghiệp. Song song đó, SHTP cũng phải tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế để cập nhật xu thế công nghệ mới của thế giới, hỗ trợ tích cực cho các mặt công tác của SHTP.
“Mục tiêu SHTP đặt ra đến năm 2020 là thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu - đào tạo - ươm tạo; cùng với Đại học Quốc gia TPHCM nhanh chóng hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại SHTP nhằm thúc đẩy nhanh các hoạt động thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao; khẩn trương cho Khu Công viên khoa học với mục tiêu giao đất cho nhà đầu tư vào năm 2019…”, ông Lê Hoài Quốc cho biết.