“Nôi” ươm mầm công nghệ cao
Số liệu thống kê của SHTP cho thấy, đến cuối tháng 6-2022, có 160 dự án còn hiệu lực; trong đó có 70 dự án sản xuất công nghệ cao, 19 dự án nghiên cứu triển khai R&D, 09 dự án đào tạo, ươm tạo... trong 51 dự án FDI, có các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc),... tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả mới và điều chỉnh vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án và tổng vốn đầu tư trong nước là 1,929 tỷ USD/109 dự án. Hiện nay, SHTP đã lấp đầy hơn 85% đất quy hoạch cho hoạt động đa lĩnh vực công nghệ cao. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (CNC) cũng tăng dần qua các năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của thành phố), dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD.
Không dừng lại ở đó, SHTP còn hợp tác với Đại học Quốc gia TPHCM, cùng các viện, trường triển khai các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp CNC, bước đầu cũng đạt được một số kết quả như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, một số hợp tác đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia và thành phố... Qua đó hình thành và phát triển năng lực nội sinh về CNC cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, chi phí dành cho hoạt động R&D, sáng chế, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp CNC trong và ngoài nước cũng tăng dần. Nhiều bằng sáng chế đã được các doanh nghiệp, cá nhân trong SHTP đăng ký với số lượng khá lớn, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về hoạt động nghiên cứu phát triển R&D gắn với sản xuất CNC theo quy định các dự án đầu tư sản xuất vào SHTP.
Một hoạt động khá thành công tại SHTP đó là Vườn ươm doanh nghiệp CNC (Vườn ươm). Vườn ươm xây dựng quy trình ươm tạo và triển khai các hoạt động dựa trên cách tiếp cận từ nhu cầu thị trường và dựa trên mô hình ba nhà: Nhà nước - Khối học thuật - Doanh nghiệp. Vườn ươm định vị và hoạt động như một tổ chức đầu mối và kết nối các nguồn lực từ khu vực nhà nước và tư nhân, và tập trung sâu vào giai đoạn “ươm tạo” và “thương mại hóa” gồm các hoạt động trợ giúp về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết giúp dự án hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm CNC. Bình quân mỗi năm, Vườn ươm tiếp cận với hơn 90 dự án khởi nghiệp do người Việt Nam nghiên cứu, phát triển và làm chủ 100%, qua đó, đã đưa vào ươm tạo mới khoảng 10 dự án/năm. Một trong những điểm khác biệt và yêu cầu bắt buộc các dự án khi tham gia chương trình ươm tạo của Vườn ươm là phải có hoạt động R&D, có tính mới và khai thác tài sản sở hữu trí tuệ hoặc hình thành tài sản trí tuệ đối với sản phẩm/giải pháp công nghệ trong thời gian ươm tạo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong khu đã và luôn đồng hành cùng thành phố và cộng đồng cùng chung tay duy trì sản xuất, tích cực hoạt động thiện nguyện với các hoạt động đóng góp như ủng hộ tiền, cung cấp các thiết bị y tế trong đại dịch Covid -19, tham gia vận động ủng hộ các địa phương khó khăn. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã chung tay đóng góp thành lập vận hành khu cách ly tập trung, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tạm thời các trường hợp F0 không triệu chứng cho người lao động tại Khu CNC.
Tuổi 20 và những hoài bão lớn
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết, với tầm nhìn đến 2045, Khu CNC là Trung tâm kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo của cả nước, thực sự trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Ban quản lý SHTP đã định hướng nhiều mục tiêu phát triển. Theo đó, SHTP sẽ hoàn thiện, nâng cấp hoạt động CNC của khu, trong đó tập trung lan tỏa CNC, nền tảng số, công nghệ số. Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai bao gồm: thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện cam kết R&D, đạt tiêu chí, tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật CNC; thu hút đầu tư các dự án R&D, đào tạo, ươm tạo vào Khu không gian khoa học (93ha), tập trung vào các công nghệ gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển trung tâm R&D, Vườn ươm doanh nghiệp CNC... thành Trung tâm đổi mới sáng tạo tương tác cao, làm hạt nhân của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tương tác cao của SHTP; xây dựng và triển khai chương trình vi mạch bán dẫn; phát triển gắn kết hoạt động ba nhà (Nhà nước - Doanh nghiệp - Viện, trường) gắn với hệ sinh thái đổi mới; thu hút doanh nghiệp trong nước, Việt kiều gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Không dừng lại ở đó, SHTP sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ thuộc bốn nhóm lĩnh vực công nghệ cao hội tụ với các công nghệ số. Đối với công nghệ thông tin sẽ tập trung điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo... đối với công nghệ sinh học sẽ tập trung vào công nghệ gen, tế bào gốc, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, vaccine, thuốc đặc trị phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với công nghệ vật liệu mới, tập trung chuyển giao công nghệ, nghiên cứu tạo vật liệu mới phục vụ công nghiệp và xây dựng; vật liệu in 3D; công nghiệp hỗ trợ.
Đối với công nghệ cơ khí, chế tạo tự động hóa sẽ chú trọng phát triển công nghệ chế tạo-tự động hóa; công nghệ chế tạo các thiết bị tiết kiệm năng lượng; công nghệ tự động hóa đo lường và xử lý thông tin. Đặc biệt, SHTP sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ năng lượng và môi trường (phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu); chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý các loại chất thải, khí thải; công nghệ tái chế, sử dụng bền vững tài nguyên và hồi phục môi trường; công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon.
Đồng thời, SHTP sẽ hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với các chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu trong các dự án sản xuất CNC có doanh thu lớn, giá trị xuất khẩu cao trong khu để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt Nam. Hỗ trợ đào tạo quản lý, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp, hỗ trợ vận hành và áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, sử dụng hạ tầng, phòng thí nghiệm và chia sẻ dữ liệu để tối ưu hóa mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ.
Với những đóng góp và kết quả đạt được trong 20 năm hình thành và phát triển, SHTP vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng nhất năm 2017, các năm trước đã nhận được Huân chương Lao động hạng 2, hạng 3 cùng với các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và thành phố. Không những thế, SHTP còn đạt giải chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI), năm 2021 do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức với Đề án P112 “Huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong tăng cường liêm chính, đồng thuận về mục tiêu và thực hiện giá trị cốt lõi của đơn vị”; Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2014 và Giải thưởng cho hoạt động nhiều năm liền trong 10 năm tổ chức Ngày hội tái chế (2008-2017). Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, SHTP đã được Bộ KH-CN tặng bằng khen và đánh giá SHTP là Khu công nghệ cao thành công nhất trong các Khu công nghệ cao quốc gia. |