>>> Video Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Hrê xuống cấp trầm trọng
Công trình này có vốn đầu tư 10,5 tỷ đồng, song cách tiếp cận chưa phù hợp khiến quá trình khai thác phát sinh bất cập, gây lãng phí.
Khuôn viên Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Hrê rộng chừng 1,5ha với nhiều công trình, hạng mục gồm: khu nhà sinh hoạt cộng đồng (làm bằng bê tông kiên cố), 3 nhà sàn truyền thống (vật liệu tre, mái tranh, cây gỗ) cùng các công trình phụ trợ như chòi lúa, chuồng trâu… Theo quan sát, khu nhà sinh hoạt chính đóng kín cửa đã lâu, phía trong phủ bụi, nhiều bàn ghế có dấu hiệu xuống cấp. Tại gian trưng bày tầng dưới không có bất kỳ sản phẩm truyền thống nào, chỉ thấy chất đầy các thùng bia, bình nhựa. Ba khu nhà truyền thống lợp bằng mái tranh đều đang xuống cấp, mục nát. Tại các bậc thang lên nhà sàn làm bằng gỗ đều bị mối mọt gãy vỡ, hệ thống điện, quạt bỏ hoang dần hư hại…
Bên trong khu nhà truyền thống nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng |
Theo phản ánh của người dân Làng Teng, công trình đưa vào sử dụng khoảng năm 2018, được thiết kế mang đậm phong cách văn hóa Hrê với kiến trúc nhà sàn dài, 3 khu nhà truyền thống vật liệu tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình đưa vào sử dụng phát sinh bất cập khi không có sự bảo quản thường xuyên. Trong 5 năm sử dụng, công trình chỉ được đưa vào phục vụ vài lễ hội, sau đó đóng bít cửa.
Ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng VH-TT huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết, trước đây công trình do Sở VH-TT-DL tỉnh làm chủ đầu tư, sau đó giao về huyện, xã quản lý (năm 2018). “Quá trình đầu tư, tất cả thủ tục, thiết kế, tư vấn đều do Sở VH-TT-DL tỉnh làm, chúng tôi không hề tham gia… Hiện các công trình xuống cấp nhưng chưa thể khắc phục do tìm không ra vật liệu, nhất là tranh lợp mái. Tới đây, chúng tôi đề xuất với các sở, ngành nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, kỹ thuật để khắc phục công trình theo hướng cách tân, thay thế bằng vật liệu mái tôn, ngói, bê tông”, ông Dũng nêu.
Còn ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết, địa phương đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trường tình trạng xuống cấp ở khu bảo tồn. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Ba Thành đặt biển báo đảm bảo an toàn tại các hạng mục xuống cấp, còn các hạng mục hư hại nặng thì tháo dọn sạch sẽ. Tới đây, UBND huyện này sẽ mời các đơn vị tư vấn để tìm cách tháo gỡ, khắc phục dự án. Ông Phạm Xuân Vinh cũng đồng tình với nguyện vọng người dân địa phương được tham gia thường xuyên vào dự án. Theo ông Vinh, việc bố trí, đưa các nghệ nhân, người dân có nhu cầu thiết thực tham gia vào khu bảo tồn, trưng bày các sản phẩm là điều rất thiết thực, giúp dự án phát huy hiệu quả.