Bạn đọc NHẬT TÂN (Nam, 40 tuổi, Tiền Giang): Cách đây 5 năm, tôi bị tai nạn lao động, trật khớp vai. Từ đó, khớp vai tôi thường xuyên bị trật, nhất là khi tôi đưa tay về phía sau. Mỗi lần trật rất đau. Tôi có thể tự chỉnh lại được, nhưng sinh hoạt rất bất tiện. Nhờ bác sĩ tư vấn, tôi cần khám ở đâu? Có cần phẫu thuật không và chi phí như thế nào?
BS.CKII VÕ VĂN MẪN - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:
Chào anh Nhật Tân,
Việc khớp vai bị trật lặp lại nhiều lần không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Dựa trên những chia sẻ của anh, đây có thể là tình trạng trật khớp vai tái hồi. Tình trạng khớp bị trật khỏi vị trí ban đầu và dễ bị trật lại sau một lần bị trật.
Nguyên nhân thường do tổn thương cấu trúc ổ khớp hoặc dây chằng xung quanh khớp, thậm chí nghiêm trọng hơn là dây chằng bị đứt khi gặp tình trạng khớp vai bị trật nhiều lần. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài như: viêm khớp, mất chức năng khớp và giảm khả năng vận động. Đặc biệt, nếu không được điều trị, mỗi lần trật khớp có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thêm cho các cấu trúc xung quanh khớp.
Cơ chế chấn thương khớp vai thường là do ngã chống tay hoặc chống khuỷu, cánh tay đưa ra sau và xoay ngoài... dẫn đến trật khớp vai. Bên cạnh đó, ngã do chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn lao động... dùng tay để chống cũng rất dễ dẫn đến tình trạng này.
Anh có đề cập việc thăm khám, điều trị, xin chia sẻ cùng anh như sau:
Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp, anh nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa về xương khớp, chấn thương chỉnh hình. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết như chụp X-quang, MRI để xác định tổn thương sụn viền bao khớp và đánh giá mức độ tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.
Tùy thuộc mức độ tổn thương và nguyên nhân gây trật khớp, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau, việc điều trị có thể bao gồm:
- Với các trường hợp trật khớp vai nhẹ:
+ Chườm lạnh để giảm đau và sưng
+ Nắn chỉnh khớp vai
+ Dùng thuốc steroid chống viêm (NSAID)
+ Vật lý trị liệu: Tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp vai, cải thiện độ linh hoạt của khớp.
- Với các trường hợp đã tổn thương nặng:
Phẫu thuật làm vững khớp vai, khâu lại bao khớp, sụn viền... có thể được chỉ định. Có 2 loại phẫu thuật là mổ mở và nội soi khớp vai. Trong đó, phẫu thuật nội soi khớp hiện đang là phương pháp điều trị phổ biến áp dụng phương pháp xâm lấn tối thiểu để sửa chữa các mô mềm ở vai. Nội soi khớp vai có nhiều ưu điểm so với mổ mở vì độ an toàn cao, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, ít đau, hạn chế tối đa biến chứng, sẹo mổ nhỏ, thời gian xuất viện ngắn.
Chi phí điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ sở y tế, phương pháp điều trị, tình trạng bệnh và bảo hiểm y tế của bạn.
Một trong những địa chỉ thăm khám anh có thể tham khảo là Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn. Đây là địa chỉ thăm khám và điều trị từ những chấn thương nhẹ đến các bệnh lý phức tạp về xương khớp. Không chỉ quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao, bệnh viện còn áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe cho người bệnh để tối ưu chi phí điều trị.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.