Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.
Tạo điều kiện giải quyết “cục máu đông”
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), nợ xấu đang là điểm nghẽn, cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bởi lẽ ở Việt Nam hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng vì dư nợ ước 122% GDP - gấp 2 - 3 lần các nước ASEAN.
Gánh nặng của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn. Sau 5 năm triển khai Đề án 843 về xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng và giải quyết khoảng 350.000 tỷ đồng; nợ chuyển cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) 250.000 tỷ đồng và đã xử lý 50.000 tỷ đồng. Ước tính nợ xấu hiện chiếm 2,65% tổng dư nợ, khoảng 150.000 tỷ đồng và nếu cộng với con số tại VAMC 200.000 tỷ đồng thì khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương 6%.
Tuy nhiên, nếu tính cả những khoản nợ có thể thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể lên tới 10% như tờ trình của Chính phủ.
Từ việc dẫn giải các số liệu trên, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh, vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Và nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền. Nếu xử lý tốt nợ xấu thì sẽ giải quyết nhiều mục tiêu: giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, lãi vay khoảng 1%. Tuy nhiên, điểm khiến ĐB Trần Hoàng Ngân lo ngại là tài sản thế chấp cầm cố có còn không bởi vì nếu sau 5 năm không xử lý được thì “nó xấu lắm rồi”.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
Các ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Lê Thanh Vân (Cà Mau) đồng tình với việc ban hành nghị quyết nhằm giải quyết nhanh “cục máu đông” của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các ngân hàng làm ăn cũng như tạo công bằng cho người vay và người cho vay. Vì vậy, với nghị quyết này thì có thể yên tâm một phần là “cục máu đông” sẽ được giải quyết, hoặc ít nhất gạt sang một bên.
ĐB Nguyễn Văn Bình (Quảng Bình), Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, việc ban hành nghị quyết là rất cần thiết xử lý nợ xấu hệt như xử lý bệnh tăng xông, làm sao đừng để tích tụ; xử lý liên tục thì mạch máu liên thông, nền kinh tế sẽ tốt. Ngân sách hết sức khó khăn, để tăng trưởng 6,7% thì cần có nguồn lực, phải trông cậy vào ngân hàng nên phải khai thông nợ xấu càng sớm càng tốt.
ĐB Nguyễn Văn Bình tỏ ra “ngạc nhiên” vì một số nội dung cụ thể của nghị quyết, trong đó có quy định nghị quyết chỉ được áp dụng với các khoản nợ xấu phát sinh đến ngày 31-12-2016. “Nợ xấu nào chả là nợ xấu, hôm qua, hôm nay hay ngày mai có phát sinh thì vẫn là nợ xấu, phải chăng nợ xấu hôm trước có gì đặc biệt, quy định như thế phải chăng có gì ưu ái với các khoản nợ xấu cũ? Không nên quy định đến ngày nào cả mà nên quy định xử lý nợ xấu theo nghị quyết đến khi nào mặt bằng pháp luật đồng bộ thì chuyển sang làm theo luật”, ĐB Nguyễn Văn Bình đề nghị.
ĐB Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng, nợ xấu là mặt trái của hoạt động ngân hàng, giống như anh buôn bán có hàng tồn kho, có hư hỏng, nên “nếu nghị quyết chỉ áp dụng cho xử lý nợ cũ mà không áp dụng với nợ mới thì khập khiễng”.
Lo bị lợi dụng
Dù thống nhất quan điểm cần phải ban hành nghị quyết nhưng ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị cần phải làm rõ một số điểm. Thứ nhất là tính khả thi. Chính phủ cần làm rõ những khoản nợ này ra sao dù VAMC đã có thời gian giải quyết nhưng không thực hiện được.
“Hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có quy định pháp luật bảo vệ nhưng vì sao họ không thu hồi được tài sản thế chấp dù có hành lang pháp lý tương đối ổn bảo vệ họ. Nếu không làm rõ mà Quốc hội thông qua nghị quyết thì tôi không tin giải quyết được”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, phải có sự rà lại vì thực tế có những chủ dự án vay ngân hàng, thế chấp dự án, sau đó lại thế chấp vay ngân hàng khác và tạo sự lòng vòng: nợ không trả, sổ đỏ người dân không làm được. Nếu gỡ vướng mắc hết nhưng tài sản đâu để thu hồi, thậm chí “ôm nợ đó thì nợ xấu phẩy là rất cao”.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nghi ngờ thuật ngữ “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ” vì như vậy cũng dễ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cục bộ cho một số đối tượng, hợp thức hóa sai phạm. Ví dụ như, một mảnh đất có giá trị vài trăm triệu đồng nhưng khi thế chấp ngân hàng được đẩy giá lên hàng tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Nay nếu quy định bán thấp hơn giá ghi sổ thì sẽ hợp thức hóa cho sai sót.
Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm tổ chức, cá nhân đúng quy định pháp luật để xảy ra nợ xấu, không để lọt tội, nhằm tạo niềm tin của dân với Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình xử lý nợ xấu.
Cũng đồng tình với việc ban hành nghị quyết nhưng ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TPHCM) băn khoăn, “tài sản sạch” trong xử lý nợ xấu đã được bán nhưng tài sản còn lại giá trị không còn bao nhiêu, thậm chí đã có người khác quản lý. Ví dụ như đất phân lô đã bán hết; tài sản cho thuê… Vì vậy, dự thảo nghị quyết yêu cầu thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu là khó khăn, khó khả thi nếu tài sản đó còn tranh chấp và khi đã còn tranh chấp thì vẫn phải theo quy trình hiện hành.
“Ủng hộ việc ban hành nghị quyết nhưng quy định đưa ra phải khả thi vì nếu không nghị quyết khó mà thực hiện được”, ĐB Trịnh Ngọc Thúy nói.
ĐB Phạm Văn Hòa, Lê Thanh Vân, Đoàn Hồng Phong (Nam Định) và nhiều đại biểu khác đề nghị nghị quyết phải nêu quan điểm rõ ràng, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm, ngân hàng sai thì ngân hàng phải chịu, không phải cứ cho vay tràn lan rồi lại giải quyết theo kiểu Nhà nước phải mua lại ngân hàng với giá 0 đồng. Mục tiêu là không để Quốc hội lại phải ra một nghị quyết tương tự.
“Đặc biệt, phải đưa rõ nguyên tắc bất di bất dịch: không dùng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu vào nghị quyết của Quốc hội”, ĐB Phạm Văn Hòa đề xuất .