Không việc, lương thấp, Chi hội Điện ảnh Hãng Phim truyện Việt Nam gửi đơn kêu cứu
SGGPO
Sau khi cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, các nghệ sĩ tiếp tục tình trạng không có việc, lương thấp. Chi hội Điện ảnh của Hãng vừa gửi đơn kêu cứu lên Hội Điện ảnh Việt Nam.
Một trong những vấn đề khúc mắc của chi hội được trình bày xoay quanh việc tại sao lại định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0 và các vấn đề khác liên quan thiết thực tới "cơm áo, gạo tiền" của chính những nghệ sĩ, cán bộ đang làm việc tại đây.
Kho đạo cụ, kho kịch bản bị chuyển đi khiến nhiều nghệ sĩ bất ngờ. Ảnh FB Vũ Huy
Trong đơn nói rõ việc cổ phần hóa hãng đã không đem lại được công ăn, việc làm, đưa hãng phim phát triển vượt qua giai đoạn khó khăn mà hơn nữa nhiều cam kết của nhà cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (nhà cổ đông duy nhất ) đã không được thực thi.
Cụ thể: “nhiều cam kết trong đó có việc đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp… và đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước với 85 thành viên còn lại của Hãng với mức lương bình quân người/tháng là 4.800.000 đồng cho năm 2017. Nhưng sau hơn hai tháng cổ phần, tháng thứ nhất (tháng 7 năm 2017), lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước cổ phần và mức lương thấp nhất vẫn là 540.000 đồng. Tháng thứ 2 (tháng 8 năm 2017), chỉ một số cán bộ công nhân viên trong hãng nhận được tạm ứng lương với mức thấp nhất (1.000.000 đồng) và có sự chênh lệch cao thấp không đồng đều, không theo một định mức, một căn cứ nào hết, và một số cán bộ hoàn toàn không có lương… điều này khiến mọi người thắc mắc mà không có bất cứ lời giải đáp nào.”
Việc cùng lúc di chuyển kho đạo cụ và tủ kịch bản khiến nhiều nghệ sĩ hoang mang. Ảnh: FB Vũ Huy
Bên cạnh đó, lá đơn cũng đề cập nhiều “nghi ngờ” trong việc xáo trộn cơ sở vật chất tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê.
Cụ thể như: Sáp nhập 4 phòng: Biên kịch, Đạo diễn, Quay phim, Thiết kế, Mỹ thuật vào một phòng gọi tên mới là Phòng Nghệ thuật; còn dãy nhà trước đây của 4 phòng đã cho thuê để kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim. Cổng chính của Hãng Phim Truyện Việt Nam sau gần 60 năm tồn tại lập tức bị đóng lại. Toàn bộ anh chị em nghệ sĩ và cán bộ, công nhân viên phải đi cổng phụ để vào làm việc. Toàn bộ kịch bản quý giá của các biên kịch gạo cội từ khi hãng được thành lập với bộ phim đầu tiên Chung một dòng sông đến các bộ phim nhựa được sản xuất những năm gần đây gây tiếng vang trong các liên hoan phim quốc tế và trong nước đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam khiến chiếc tủ đựng kịch bản của phòng biên kịch trống trơn không còn một bản thảo kịch bản nào. Các kho đạo cụ, phục trang bị chuyển đến các kho của Tổng Công ty Vận tải Thủy cách hãng phim gần 40km. Mục đích chuyển đi cũng là lấy các phòng cho thuê để kinh doanh. Cũng với mục đích trên, một phòng dựng, và thu thanh đã bị tháo dỡ, di chuyển….
Trong lá đơn cũng đề cập việc Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Thủy không lo cho cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ trong Hãng được bất kỳ một công việc mới nào. Trái lại họ yêu cầu anh em nghệ sĩ tự đi kiếm việc, tự trả lương, còn họ sẽ không trả lương, nếu muốn trả lương phải đi đủ 8 giờ như đi làm hành chính.
Tuy vậy, sau khi có kiến nghị phản đối của khối Nghệ thuật bao gồm: Phòng Biên kịch, Phòng Đạo diễn, Phòng Quay phim, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Thủy đã chấp nhận hủy bỏ quy định thời gian làm việc (đi đủ 8 tiếng/ngày ) đối với khối Nghệ thuật…
Những "xáo trộn" nêu trên khiến cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ, các hội viên trong Hãng hoang mang, tâm lý bất ổn và đời sống gặp nhiều khó khăn.