Nghị quyết 13 yêu cầu tập trung nguồn lực cho 4 lĩnh vực trọng tâm, trong đó tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị lớn. Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Sau hơn 5 năm triển khai, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng còn nhiều tồn tại; kết nối hạ tầng chưa phù hợp, chỗ thừa, chỗ thiếu. Nguyên nhân quan trọng là chất lượng quy hoạch chưa tốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết cấu hạ tầng có bước phát triển, đất nước có nhiều công trình hạ tầng lớn. Tuy vậy, vẫn còn các tồn tại như quy hoạch chưa đồng bộ, tiến độ một số công trình còn chậm trễ… Nghị quyết 13 ra đời được hơn 5 năm và đây là thời điểm để sơ kết việc triển khai nghị quyết, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
Theo Thủ tướng, dự thảo báo cáo cần nêu rõ các quan điểm mới về phát triển hạ tầng - vấn đề được xem là nút thắt, điểm nghẽn đối với sự phát triển, trong đó, nhấn mạnh các cơ chế, thể chế mới cần phải bổ sung, sửa đổi, làm mới, như theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) là Luật Đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư).
“Đặc biệt là việc tìm nguồn lực mới để phát triển đất nước, không vì thể chế, cơ chế mà bế tắc phát triển hạ tầng của Việt Nam”, Thủ tướng nói và chỉ ra một số vấn đề cần làm rõ hơn như vấn đề xã hội hóa nguồn lực vì “không xã hội hóa thì nguồn lực đâu để phát triển”. Xã hội hóa là cần thiết, để Nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng có lợi. Thủ tướng nhấn mạnh, hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, do đó, bên cạnh hạ tầng cứng, không thể không đề cập đến các hạ tầng như giáo dục, y tế…
Về các hình thức huy động nguồn lực, Thủ tướng cho rằng khi quy mô nền kinh tế đã tăng lên trên 5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống còn 61% thì liệu đây có phải dư địa để xin chủ trương tiếp tục tìm nguồn ODA phù hợp để đầu tư hay các hình thức khác như trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu quốc tế… để có nguồn lực phát triển hạ tầng.
Thủ tướng yêu cầu, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng báo cáo cụ thể trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình Bộ Chính trị. Từ kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này, Thủ tướng sẽ có một quyết định hoặc Chính phủ có một nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13. Tiếp theo, sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai kết luận của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng hoặc của Chính phủ về phát triển hạ tầng.
Thủ tướng nhấn mạnh làm sao để Nghị quyết 13 tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn, để có cuộc cách mạng về hạ tầng, làm tiền đề tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn hạ tầng cho sự phát triển.