Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 3-1, vị trí tâm bão số 1 ở khoảng 6,2 độ vĩ Bắc; 104,3 độ kinh Đông, cách mũi Cà Mau 240km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo đến 13 giờ ngày 4-1, vị trí tâm bão ở khoảng 8,0 độ vĩ Bắc; 101,9 độ kinh Đông, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 300km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.
Ngày 3-1, các tỉnh ven biển ĐBSCL tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão, hoặc di chuyển đến vị trí an toàn.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau, cho biết, tàu cứu hộ của Cảnh sát biển đã đến hỗ trợ cho Hòn Chuối vào lúc 0 giờ ngày 2-1, hiện Hải quân cũng đã điều động 1 tàu cứu hộ đến Hòn Chuối. Tuy nhiên, do sóng to gió lớn nên chưa thể triển khai được việc đưa người từ tàu cá sang tàu cứu hộ. Hiện các tàu đang neo đậu chờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.
Trong khi đó, tàu cá CM 92123 TS của chủ tàu kiêm thuyền trưởng Tô Văn Huynh (ngụ khóm 6A, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) bị hỏng máy khi trên đường vào bờ tránh bão, cần cứu hộ cứu nạn. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau đã thông báo cho các phương tiện hiện đang ở gần khu vực tàu bị nạn biết để hỗ trợ. Đồng thời liên lạc, trao đổi với Tư lệnh Vùng 5 Hải quân xử lý theo hướng sau khi tàu Hải quân hoàn thành nhiệm vụ sơ tán người trên nhà giàn bãi cạn Cà Mau sẽ tiếp cận và lai dắt tàu cá CM 92123 TS vào bờ.
Tại Phú Quốc (Kiên Giang), trong ngày 3-1, chính quyền địa phương cùng các lực lượng biên phòng, Hải quân Vùng 5, Cảnh sát biển Vùng 4 đã thực hiện cấm biển, thông báo kêu gọi tàu thuyền, kể cả tàu du lịch vào bờ neo đậu an toàn, thực hiện nghiêm lệnh cấm tất cả tàu thuyền ra khơi.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão số 1, mưa lớn nhiều ngày qua đã làm hàng chục ngàn hécta lúa đông xuân ở Sóc Trăng bị đổ ngã. Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tổng diện tích toàn tỉnh vụ đông - xuân gieo trồng hơn 132.000ha, trong đó diện tích đã thu hoạch hơn 20.000ha và diện tích lúa bị đổ ngã gần 7.300ha, tập trung ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú và Châu Thành.
Tại Bến Tre và Tiền Giang, nhiều cơn mưa lớn, kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất hoa kiểng tết của nông dân. Tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã có khoảng 700.000 chậu hoa tết bị cháy lá, vàng lá, thối rễ.
Tại làng hoa Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, hàng ngàn chậu hoa tết có nguy cơ trổ hoa không đúng dịp tết.
Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 4-1 ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và khu vực miền Tây Nam bộ có mưa vừa, có nơi mưa to, riêng Cà Mau mưa rất lớn.