Phát biểu đầu tiên tại tổ thảo luận gồm các đoàn Quảng Bình, Lào Cai, Đắc Lắk chiều 26-5 về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, ĐBQH Nguyễn Văn Bình (Quảng Bình), Trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Thống đốc NHNN nhấn mạnh, việc ban hành nghị quyết là rất cần thiết, nhưng phải xác định quan điểm và cách thức tiếp cận thực sự đúng đắn thì mới xác định nội dung phù hợp.
ĐB Nguyễn Văn Bình nói: “Đại biểu Quốc hội khóa trước ví nợ xấu như cục máu đông, hình ảnh đó là rất chính xác, vì hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Vì thế cơ chế xử lý nợ xấu hệt như xử lý bệnh tăng xông, làm sao đừng để tích tụ; xử lý liên tục thì mạch máu liên thông, nền kinh tế sẽ tốt, đó là lý do lớn nhất để ban hành nghị quyết”.
Bên cạnh đó, phải ban hành nghị quyết, vì có những lúc lạm phát xuống rất thấp, nhưng lãi suất không xuống được chính là do nợ xấu đọng lại nhiều nên vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro, chi phí vẫn cao nên không có điều kiện đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp và ổn định lâu dài. Ngân sách hết sức khó khăn, để tăng trưởng 6,7% thì cần có nguồn lực phải trông cậy vào ngân hàng nên phải khai thông nợ xấu càng sớm càng tốt
Tuy vậy, ĐB Nguyễn Văn Bình tỏ ra ngạc nhiên vì một số nội dung cụ thể của nghị quyết, trong đó có quy định nghị quyết chỉ được áp dụng với các khoản nợ xấu phát sinh đến ngày 31-12-2016.
Một nhận xét quan trọng khác của ĐB Nguyễn Văn Bình là dự thảo nghị quyết “không rõ thứ bậc trong xử lý nợ xấu, đánh đồng các tổ chức khác với VAMC là không đúng”. Kinh nghiệm quốc tế thường có luật riêng cho công ty mua bán nợ nhà nước. Đáng lưu ý, với mặt bằng pháp lý hiện nay thì hoàn toàn có cơ sở pháp luật để trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng. ĐB Nguyễn Văn Bình nói: “Nghị quyết này hoàn toàn không có gì ưu ái với những “ông” có hành vi vi phạm gây ra nợ xấu”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng là nguyên Thống đốc NHNN cho rằng các đại biểu cần nhìn nhận về nợ xấu toàn diện hơn.
“Thế giới cũng vậy, nợ xấu phát sinh trước hết do môi trường kinh tế, đặc biệt khi suy thoái; thứ hai là môi trường pháp luật và thứ 3 có phần chủ quan trong hệ thống; chứ không nhất thiết chỉ có yếu tố chủ quan”.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Văn Bình, ĐB Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nợ xấu là mặt trái của hoạt động ngân hàng, giống như anh buôn bán có hàng tồn kho, có hư hỏng, nên “nếu nghị quyết chỉ áp dụng cho xử lý nợ cũ mà không áp dụng với nợ mới thì khập khiễng”.
Về vấn đề nhiều đại biểu quan tâm trong dự thảo liên quan đến việc được chuyển nhượng nợ xấu theo giá thị trường, trong đó vừa cho phép đấu giá công khai, vừa cho phép bán theo giá thỏa thuận, khiến nhiều đại biểu lo ngại khả năng lợi dụng trục lợi, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: Về nguyên tắc, Bộ Chính trị đã đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý, chỉ làm thế nào để đừng xảy ra tiêu cực. Đây là vấn đề cốt lõi.
Đồng ý trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng, song ông Nguyễn Văn Giàu tỏ ra thận trọng với Điều 12 (quyền ưu tiên xử lý nợ, đặc biệt khi nhiều chủ nợ mà chỉ có 1 món tài sản). “Theo Luật Phá sản thì ưu tiên đối tượng khác, còn Nghị quyết này thì ngân hàng được thu hồi nợ trước. Theo tôi, đúng như nhiều ĐB băn khoăn, chúng ta phải chặt chẽ để đảm bảo khả thi khi đưa vào áp dụng, để giải phóng được nguồn lực này mà không phát sinh hậu quả pháp lý và hậu quả tài chính”.
* ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Nhiều ý kiến thắc mắc phải chăng Quốc hội ưu ái các ngân hàng nên ban hành Nghị quyết về nợ xấu? Tuy nhiên, tôi đồng tình với việc Quốc hội ban hành nghị quyết này để giải quyết nhanh “cục máu đông” của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các ngân hàng làm ăn cũng như tạo như công bằng cho người vay cũng như người cho vay.
* ĐB Đoàn Hồng Phong (Nam Định): Đặc biệt, phải tuân thủ triệt để việc không được dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu. Phải nói rõ trong nghị quyết, vì nếu không cẩn thận, chúng ta biến tiền ngân sách chuyển thành tiền các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế và người dân. Cần phải rút kinh nghiệm từ việc mua ngân hàng 0 đồng như vừa qua.
Nghị quyết cần nêu rõ quy định xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu làm ảnh hưởng đến nền kinh tế để đảm bảo răn đe, ngăn chặn kịp thời.