Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến tình trạng này liên tục tái diễn, thậm chí ngày càng phổ biến chính là vì mức xử phạt hiện hành còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà họ thu được từ các hành vi vi phạm.
Từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến thuốc chữa bệnh và vô số các loại hình dịch vụ được các cá nhân, nghệ sĩ, KOL tiếp tay giới thiệu sai lệch đã khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Lợi dụng sức ảnh hưởng lớn, số người theo dõi “khủng”, mỗi lời giới thiệu của họ dễ dàng tiếp cận hàng chục, hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người.
Với tầm ảnh hưởng và các chiêu thức truyền thông bài bản từ đội ngũ phía sau, việc khiến người tiêu dùng tin tưởng và mua hàng là điều không khó. Lợi nhuận chảy về túi họ và doanh nghiệp, còn người tiêu dùng mua hàng vì tin vào những lời có cánh từ thần tượng, lại phải gánh chịu hậu quả. Lòng tin của công chúng - vốn là nền tảng làm nên tên tuổi của những cá nhân trên lại trở thành công cụ để trục lợi.
Điều đáng nói là khi bị phát hiện có sai phạm, những cá nhân trên lại chịu ảnh hưởng rất ít. Một “công thức” đã từng trở nên quen thuộc: quảng cáo sai, xin lỗi, nộp phạt... rồi lại đâu vào đó! KOL lại tiếp tục quảng cáo những sản phẩm khác. Với mức xử phạt 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức (theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo) chẳng đáng là gì so với lợi ích mà các cá nhân, doanh nghiệp thu được từ các quảng cáo sai sự thật. Điển hình như vụ kẹo rau củ Kera vừa qua, ước tính chỉ sau 3 tháng đã có hơn 135.000 hộp sản phẩm được bán ra thị trường, doanh thu ước tính hơn 20 tỷ đồng. Thế nhưng, tổng mức xử phạt các cá nhân tham gia quảng cáo là người nổi tiếng, hoa hậu chỉ 165 triệu đồng.
Chính vì vậy, việc hai KOL liên quan đến vụ kẹo rau củ Kera bị khởi tố đã mang đến một tín hiệu tích cực, cho thấy các cơ quan chức năng đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh tình trạng lợi dụng lòng tin của cộng đồng để trục lợi của không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng thời gian qua. Trước đó, trong phạm vi quản lý của mình, Bộ VH-TT-DL cũng đã có những nỗ lực để chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ tiếp tay quảng cáo sản phẩm kém chất lượng với việc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Luật Quảng cáo đang được sửa đổi và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2025. Đã có nhiều ý kiến đề nghị luật cần cân nhắc bổ sung nhiều quy định mạnh mẽ hơn như hạn chế, cấm hoạt động nghệ thuật hoặc xuất hiện trên truyền thông đối với người nổi tiếng có vi phạm. Luật hiện hành chỉ mới quy định người tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung liên quan đến tính năng, chất lượng, công dụng của sản phẩm, dịch vụ. Nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nếu trong lần sửa đổi này, luật bổ sung quy định biện pháp xử lý như trên sẽ tạo ra hiệu ứng răn đe mạnh mẽ hơn, giúp chấn chỉnh hành vi quảng cáo sai lệch đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Việc quảng cáo sai sự thật không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn làm xói mòn niềm tin xã hội - đặc biệt nguy hiểm khi điều đó đến từ những người vốn được ngưỡng mộ hay có sức ảnh hưởng. Ai cũng hiểu, không có người hâm mộ sẽ không có người nổi tiếng. Vì thế, họ nên ý thức rõ trách nhiệm với cộng đồng, thay vì chỉ biết lợi ích trước mắt của bản thân. Vụ việc kẹo rau củ Kera là một bài học đắt giá.
Không chỉ là việc bị khởi tố mà nhiều cá nhân liên quan còn đánh mất đi niềm tin, tổn thất về hình ảnh, lợi ích khi bị nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước đồng loạt gỡ hình ảnh, ngừng hợp tác. Niềm tin công chúng là tài sản lớn nhất - một khi mất đi, không dễ lấy lại, thậm chí “mất cả chì lẫn chài”.