Ly hôn tuổi xế chiều
Chị Lê Thị Ngọc Mai (42 tuổi, Thủ Đức, TPHCM) là con gái bà H.T.T. (66 tuổi) hết hồn khi nghe mẹ tâm sự chuyện muốn ly hôn và nhờ làm các thủ tục. Là con gái lớn trong nhà, chị Mai không muốn chuyện này xảy ra và càng không muốn “già còn ly hôn cho người ta cười”, rồi người đời lời ra tiếng vào. Thế nhưng, nghĩ kỹ, chị lại đồng tình với mẹ về quyết định này.
Ba chị năm nay 68 tuổi, ông ở nhà chẳng bao giờ đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì. Mọi việc từ A đến Z trong nhà toàn một tay mẹ chị lo. “Tuổi thơ chị em tôi ám ảnh bởi những cơn say của ba. Mỗi khi uống rượu về, ba hay đập phá đồ đạc, chửi bới. Tôi nhớ, có thời gian mẹ đau cũng phải đi làm, đi chợ, xuống bếp nấu cơm. Vừa chịu đựng cơn đau, vừa nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà, lo cho các con. Ba tôi chưa từng đỡ đần việc nhà với mẹ. Thậm chí, trong ăn uống lại còn khó tính. Ba muốn ăn món này món kia, nếu là món cá thì mẹ phải rẽ xương đàng hoàng ba mới chịu ăn. Vậy mà ba còn chưa hài lòng. Hồi xưa trẻ, mẹ còn làm. Giờ, mẹ cũng đuối quá rồi. Ngồi chút lại cãi lộn, không ai chịu nhường ai”, chị Mai kể.
Đâu phải chỉ riêng chuyện tuổi già mệt mỏi từ những chuyện tưởng vặt vãnh chất chồng lên mãi, mà là bà T. không còn thương chồng nữa. Một phần vì những uất ức thời trẻ và những chuyện “tình xưa” của chồng vẫn làm bà ấm ức. Chuyện ráng chịu đựng được đến giờ chỉ để không xấu hổ với mọi người, con cháu. Nhưng tới tuổi này rồi, bà không còn muốn nhường nhịn hay chịu đựng nữa, bà muốn bước vào cuộc đời “độc thân”. Sau thời gian ra tòa làm các thủ tục ly hôn, chia tài sản, giờ không còn vướng bận chồng, bà T. sống vui vẻ, lạc quan.
Ly hôn để sống một ngày cho ra sống cũng là chia sẻ của bà Đ.T.H. (58 tuổi, quận Tân Phú, TPHCM). Theo bà H., nhìn bên ngoài, gia đình bà ổn định về mọi mặt, nhưng sự thật thì không được như vậy. Bà kể: “Ngay từ hồi đầu lấy nhau, tôi đã biết chồng có tính gia trưởng, hay khó chịu, gắt gỏng. Ổng thích ăn cơm ở nhà, phục vụ tận miệng, vậy mà nấu kiểu gì vẫn chê. Hồi trước có gì không vừa lòng, tôi vẫn cố nhịn, cho qua. Còn giờ, sức khỏe yếu, những cơn đau xương khớp hành hạ làm tôi mệt mỏi. Trong khi đó, chồng tôi bất cứ việc gì cũng to tiếng làm tôi thêm mệt. Điều tôi buồn là chồng vô tâm với việc vợ bệnh. Bởi vậy, tôi quyết định ly hôn, sống cho mình”.
Người già cần được sống vui
Không ít người sống bên nhau đến khi tóc điểm bạc lại cương quyết ra tòa vì “không hợp nữa”, phủ nhận cả quãng đường dài đằng đẵng gắn bó. Nhiều cuộc ly hôn ở tuổi này thường đến từ người phụ nữ, bởi họ không muốn chịu đựng thêm. Người ngoài không hiểu nói ra nói vào, người hiểu thì cảm thông. Hiện tại, xã hội nhìn nhận việc ly hôn ở tuổi già đã cởi mở hơn.
Theo một chuyên gia tâm lý, ly hôn ở tuổi xế chiều hiện nay đang có xu hướng tăng lên, nguyên nhân có thể do mâu thuẫn, nín nhịn, chịu đựng từ thời trẻ. Chính gánh nặng gia đình nội - ngoại, con cái, mệt mỏi khi phải phân chia tài sản, sợ điều tiếng... khiến họ chịu đựng đến khi về già mới dám tính chuyện đường ai nấy đi. Ly hôn thời điểm này tuy hậu quả không quá nặng nề nhưng vẫn là chuyện đáng buồn. Do đó, khi xảy ra mâu thuẫn, không hài lòng về nhau, vợ chồng nên nói ra để cùng thay đổi, chứ đừng cố chịu đựng cho qua.
Khi vợ chồng không thể tìm thấy bình yên lúc tuổi già thì ly hôn là tất yếu. Người trong cuộc phải bình tĩnh chia sẻ cho con cái hiểu, cảm thông, chấp nhận. Như bà H.T.T. nói: “Khi chia sẻ lần thứ hai, thấy các con đồng ý, tôi rất quyết tâm. Tôi lớn tuổi rồi, cần có không gian nghỉ ngơi. Càng về già, ông ấy càng nói nhiều hơn và yêu cầu quá đáng hơn. Chỉ cần không vừa lòng một chút là dằn dỗi, quát tháo. Ai cũng có quyền tự giải thoát bản thân khỏi cuộc hôn nhân không như ý. Khi ly hôn là điều hợp lý thì không cần quá bận tâm đến dư luận bên ngoài. Con cái mình hiểu và chia sẻ là được rồi”.
Còn với bà Vũ Thị Lệ (61 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM), ly hôn tuổi xế chiều là nỗi đau nhưng là sự giải thoát với người trong cuộc. Theo bà Lệ, ly hôn là cách tốt để sống cho chính mình với những ngày nhẹ nhàng, thanh thản còn lại. “Tôi cũng sắp cạn sức lực, muốn được giải thoát. Tôi muốn có những ngày sống cho ra sống. Mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, quan hệ hôn nhân từ lâu chỉ mang tính hình thức thì ly hôn là hơn”, bà Lệ chia sẻ.
Những cuộc ly hôn ở người trẻ thường khiến người ta day dứt; còn khi đã ở tuổi xế chiều mà quyết định xa nhau thì đó dường như là quyết định rất quyết liệt, mang đến cảm giác giải thoát. Người cao tuổi thường khó chịu, dễ giận như trẻ con nhưng lại khó chiều vì họ đang phải đối mặt với những thay đổi trong thể chất và tinh thần, có thể dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Và ly hôn ở người già xảy ra là khi họ đã đến ngưỡng chịu đựng. Cần tạo môi trường sống thoải mái cho người cao tuổi, để họ được sống trong một môi trường giàu tình yêu thương và vị tha thì tâm lý họ cũng sẽ dễ chịu hơn.