Ngày 7-3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 23 để chuẩn bị các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 22.
Một nội dung quan trọng khác được cho ý kiến tại phiên họp là dự thảo nghị định của Chính phủ về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã tán thành việc dự thảo quy định đối tượng được hỗ trợ kinh phí là cá nhân người nông dân, hộ gia đình (không áp dụng cho tổ chức hay doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh) với mức hỗ trợ trong khuôn khổ cho phép và cho rằng nội dung này không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ông Đinh Văn Nhã nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân được hưởng hỗ trợ, cũng như cụ thể hóa vai trò của các cấp chính quyền địa phương nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người được thụ hưởng, tránh sử dụng thất thoát, kém hiệu quả nguồn lực nhà nước.
Theo tờ trình của Chính phủ, từ ngày 1-1-2017, Luật Phí và lệ phí chính thức có hiệu lực, theo đó, thủy lợi phí là một trong 17 loại phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá và thực hiện theo quy định của Luật Giá.
Tuy nhiên, Luật Giá lại không quy định đối tượng miễn hoặc hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, trong khi, chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi được quy định tại Luật Thủy lợi phải đến ngày 1-7-2018 mới có hiệu lực.
Do đó, từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-6 tới, các đối tượng được hưởng chính sách miễn thủy lợi phí như trước đây sẽ phải trả tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và về nguyên tắc sẽ không tiếp tục được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước.