Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) gửi đến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách để nghiên cứu, cho ý kiến tại hội nghị diễn ra sáng nay, 28-3.
Đáng lưu ý, UBTVQH không tán thành đề xuất thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (để chuyển sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự) như một số ý kiến đề nghị.
Theo UBTVQH, ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Biện pháp này có tính chất, phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
Việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù. Hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một hay một số tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Do đó, đề xuất thu hẹp phạm vi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này bị xử lý bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.
Theo báo cáo Tổng kết thi hành Luật, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng chục nghìn các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả (83,5%); các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 5,5%.
Với thực trạng như vậy, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.