Trả giá vì sống “ổn định”
Ngọc Hân (30 tuổi, ngụ TPHCM) đang có công việc với mức lương đều đều 14 triệu đồng/tháng thì bất ngờ bị cho thôi việc. Hoàn toàn không kịp chuẩn bị trước, chị Hân hoang mang: “Đang thật sự rất ổn định, tôi cũng muốn gắn bó với công việc lâu dài, năng lực vẫn thế nhưng bị va vào làn sóng sa thải do công ty có vấn đề tài chính. 5 năm làm dự toán công trình, bây giờ đột ngột bỏ ra, tôi cũng không có bất cứ kỹ năng nào để xin việc văn phòng hành chính, tiếng Anh cũng có nhưng vì công việc lâu không dùng nên bây giờ cũng không nhớ gì cả”. Quá chủ quan vào sự ổn định trước đây, chị không biết mình sẽ tiếp tục xin việc gì, không biết cách xin bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí chẳng chuẩn bị sẵn một mối quan hệ đáng tin tưởng để chia sẻ.
Nhà có mẹ làm nha sĩ, có phòng mạch tại nhà hoạt động gần 50 năm (do ông ngoại truyền nghề), Minh Anh (28 tuổi, ngụ TPHCM) chọn thi Đại học Y ngành Răng - Hàm - Mặt để “hưởng mọi thứ” từ gia đình để lại. Thật ra 10 năm trước, lúc Minh Anh chọn nghề và thi đại học, phòng mạch rất ăn nên làm ra, thu nhập 50 triệu đồng/tháng là bình thường. Nhưng mọi chuyện không như mơ, Minh Anh kể: “Tôi không thích nghề này, thi vào vì mẹ tôi hứa chỉ cần học sao cho đủ ra trường chứ phòng mạch, máy móc, khách quen nhà có cả, kỹ năng thì cứ làm theo mẹ. Thế nhưng, học ra mới biết nhiều kỹ thuật mới nhà không dùng, lúc học cũng lơ mơ vì ỷ lại, kèm thêm các phòng nha hiện đại rần rần mở quanh nhà, đèn đuốc sáng choang, thiết bị tối tân, nhiều nhân viên, đầu tư mạnh tay quảng cáo… Mình thì cứ tiếc công mấy năm học cực nên thật lòng không muốn nỗ lực nữa”. Cứ thế, phòng mạch vận hành theo kiểu cũ của gia đình không có khách, kèm thêm Minh Anh không xin việc bên ngoài nên cả nhà có thu nhập rất thấp nhiều năm nay trong khi đây vốn vẫn là một nghề nhiều triển vọng.
Mỗi cuộc đời, một “giáo án”
Bản chất thị trường lao động là luôn thay đổi, gần đây, sự thay đổi này càng nhanh đến chóng mặt. Thế nên bám vào sự “ổn định” để an toàn lại là một lựa chọn nguy hiểm. Thay vào đó, chọn nương theo thị trường, luôn sẵn sàng tinh thần đương đầu và chủ động tìm cách học hỏi cái mới lại là con đường chắc chắn hơn. Không còn giáo án sẵn có của trường đại học, nhiều người trẻ phải tự khám phá hướng đi, cách đi của mình, thậm chí phải qua nhiều bước nâng cao năng lực để đủ tầm chạm đến các học bổng, khóa học, môi trường học tập mình đã lên kế hoạch.
Dù biết “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Minh Hằng (28 tuổi, ngụ TPHCM) chọn nhiều nghề làm thêm sau giờ hành chính vì không muốn để tất cả thu nhập lệ thuộc vào duy nhất một công việc. Minh Hằng kể lại: “Ban đầu, tôi tự học đan móc ở nhà rồi xin làm trợ giảng các workshop. Có thêm kỹ năng giảng dạy, tôi được tiệm gốm, lớp vẽ… cho về đào tạo rồi làm hướng dẫn viên. Các kỹ năng này vừa thỏa mãn sở thích, có thêm tiền cho những việc khẩn cấp, vừa giúp tôi học hỏi cách tổ chức lớp học, biết đâu sau này nghỉ việc chính cũng còn hướng đi khác”.
Với công việc chính trong ngành PR, Hằng tìm các khóa học có phí trên Coursera, Udemy (trang web cung cấp các khóa học online ngắn hạn đa lĩnh vực từ các trường đại học nước ngoài) vì theo Hằng: “Càng lớn tuổi càng phải nghiêm túc học như khi cắp sách đến trường để không bị tuột lại phía sau, chứ biện minh “học qua trải nghiệm hàng ngày” mà không phối hợp đầu tư kiến thức sách vở mới là không được”.
Theo đuổi nghề tổ chức sự kiện, chị Thanh Ngọc (34 tuổi, ngụ TPHCM) đúc kết: “Tôi từng được trường mời về chia sẻ kinh nghiệm làm nghề cho sinh viên nhiều lần. Những thứ mình nói và đúc kết sau nhiều năm đi làm, lớp trẻ thấm và thực hành trong một thời gian rất ngắn. Để tránh nỗi sợ lớp trẻ mới đi làm hiện đại, giỏi hơn mình, tôi thấy mỗi người cần có kỹ năng hiểu mình muốn phát triển theo ngách nào trong một nghề, mỗi người tự có giáo án đào tạo chính mình theo những cách học phù hợp với mình như học qua tài liệu, hay tự mở dự án cộng đồng riêng, du học…”.
Khi công ty yêu cầu tham gia tổ chức những sự kiện mang tính thường niên, lặp đi lặp lại hàng năm, chị Ngọc chủ động xin mình được làm việc mới hơn, khó hơn để học hỏi. Chị Ngọc nói: “Được phát triển là nhu cầu của người lao động. Tôi tìm nơi nào cho tôi thử nghiệm những yêu cầu công việc khó hơn, đáp ứng những yêu cầu mới nhất của nghề. Khi tự thân mình có bản lĩnh, tôi thật sự yên tâm cho tương lai, cuộc sống tôi cũng được nâng cấp dần lên”.