Bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị thống nhất một đầu mối phụ trách việc vận động tiếp nhận, phân phối các khoản quyên góp cứu trợ để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ đề nghị sửa đổi Điều 10 về Quỹ phòng, chống thiên tai theo hướng bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định.
Cơ quan thẩm tra – Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – cho biết, các ý kiến trong Ủy ban đều tán thành với việc bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật PCTT về nguồn tài chính khác cho PCTT (ngoài nguồn ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống thiên tai và nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân) để thu hút nguồn lực của xã hội cho công tác PCTT. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích rõ hơn về nguồn tài chính này; cơ chế quản lý, sử dụng; quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tán thành quan điểm thống nhất đầu mối để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch trong công tác cứu trợ.
“Điều phối mà không hiệu quả thì có nơi toàn mì tôm mà thiếu nước; có nơi lại thừa nước, thiếu mì. Nhiều khi quần áo cứu trợ nơi có quần không áo, nơi lại có áo không quần…”, bà Hải nêu ví dụ một cách hình ảnh.
Trưởng Ban Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị làm rõ nhiều khái niệm và quy định trong dự thảo Luật, chẳng hạn như “vật tư phương tiện được trang bị cho hoạt động phòng chống thiên tai”, là trang bị cho ai? Ai trang bị, đối tượng nào được trang bị. Nói gió mạnh, sét cũng là thiên tai thì gió mạnh đến mức nào, sét gây thiệt hại mức nào. Tất nhiên dự báo có sai số, nhưng dự báo sai mà do nguyên nhân chủ quan thì có chịu phải trách nhiệm không?
Trước đó, Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay 9-9. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là phiên họp sẽ kéo dài tới 2 tuần với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Tuy nhiên, so với chương trình dự kiến trước đó, nội dung xem xét Báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành đã được rút ra. Trong khi đó, Chính phủ vừa gấp rút trình bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp “Việc này chưa có trong chương trình nghị sự dự kiến. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết nội dung sửa đổi chỉ có hai điều, Chính phủ tha thiết muốn được xem xét sớm. Trong khi đó, thời gian họp của phiên thứ 37 khá dài, đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội thẩm tra, trình UBTVQH xem xét”, Chủ tịch Quốc hội cho biết. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. |