Hình ảnh này càng gây phản cảm hơn khi các chiến sĩ cảnh sát giao thông đang có mặt tại đây và dường như buộc phải chấp nhận sự lách luật của người dân.
Theo phản ánh của những người dân địa phương, tình trạng này đã diễn ra khá lâu, nếu không phải giờ cao điểm, không có cảnh sát đứng làm nhiệm vụ thì những người dân này sẽ ngang nhiên đi xe ngược chiều chứ không phải dắt xe như trong clip.
Tình trạng đi ngược chiều trên đường phố thường xảy ra ở những nơi gần ngã ba, ngã tư và điểm quay đầu xe, khi mà sự phân luồng của cơ quan chức năng chưa thực sự hợp lý, hoặc người dân sẵn sàng vi phạm chỉ để rút ngắn quãng đường.
Điều đáng buồn là tình trạng này lại diễn ra khá phổ biến và kéo dài, đến mức nó đã trở nên “quen mắt” ở nhiều nơi, với nhiều người. Điều đó không chỉ khiến nỗ lực phân luồng điều khiển giao thông của lực lượng chức năng trở nên vô nghĩa mà còn cho thấy một hình ảnh xấu cả từ 2 phía, cơ quan chức năng không đảm bảo được trật tự an toàn giao thông, còn người dân thì cố tình vi phạm.
Khi tình trạng đi ngược chiều trên các tuyến phố nội đô trở nên nhan nhản thì hiện tượng phương tiện đi lùi, đi ngược chiều trên các tuyến cao tốc cũng xuất hiện. Không nằm ngoài tư duy “chỉ được việc mình” nhưng mức độ nguy hiểm của việc đi lùi, đi ngược chiều trên cao tốc thì lớn hơn nhiều lần.
Mặc dù việc xét xử vụ tai nạn giữa xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và xe container làm chết 4 người vẫn đang làm nóng dư luận xã hội, không ít người vẫn chưa nhận thấy rằng, việc xe đi lùi trên cao tốc là vi phạm nghiêm trọng, có thể gây ra tai nạn vô cùng thảm khốc. Có lẽ vì chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng này nên hiện tượng đi lùi trên cao tốc vẫn cứ diễn ra. Mới đây nhất, vào sáng ngày 10-11, một chiếc xe container đã quay đầu và đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước sự kinh ngạc, sợ hãi của nhiều người.
Rõ ràng ở đây, cả những người dân đi xe máy ngược chiều trên phố và những tài xế đi lùi hay ngược chiều trên cao tốc đều đang coi thường pháp luật, coi thường tính mạng bản thân và những người tham gia giao thông. Những hành động cố tình vi phạm cần phải được xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại các quy định hiện hành, xem các quy định đó đã thực sự hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho người dân hay chưa.
Việc đặt ra quy định, luật lệ là để quản lý nhằm đảm bảo trật tự xã hội, nhưng nếu những quy định này gây khó khăn cho người dân thì sẽ có người tìm cách để lách luật, mà nhiều người “đồng lòng” lách luật ắt sẽ gây ra hình ảnh phản cảm như đã xảy ra trên đường Tố Hữu.
Trong trường hợp này, các cơ quan quản lý cần phải rà soát lại giải pháp đang thực hiện, bởi không ít trường hợp giải pháp đưa ra chưa phải là tối ưu, người khảo sát thực địa và người ký duyệt chỉ làm cho xong việc, đôi khi là thái độ vô cảm. Với những trường hợp đi lùi, quay đầu trên cao tốc, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại việc bố trí các biển báo trên một số tuyến cao tốc cho hợp lý hơn. Ví dụ, phải có đủ biển báo lối rẽ cự ly từ xa đến gần, kích thước đủ lớn để tài xế dễ nhận biết, đồng thời các lối rẽ ngoài tên kỹ thuật, ví dụ như IC1, IC2 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cần bổ sung thêm địa danh để các tài xế dễ phân biệt, tránh trường hợp tài xế đi quá lối rẽ rồi lại liều lĩnh chọn giải pháp đi lùi.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tình trạng vi phạm diễn ra tràn lan như hiện nay là chúng ta đang dung túng, thỏa hiệp với vi phạm. Điều đó không chỉ khiến trật tự, an toàn xã hội không được đảm bảo mà còn tạo ra một nhận thức, một thói quen xấu trong cộng đồng, cho thấy sự không hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, pháp luật bị coi thường.
Trong thực tế, có những quy tắc, quy định được đặt ra nhưng khi đi vào cuộc sống đã bộc lộ nhiều vấn đề bất hợp lý, khi đó, việc điều chỉnh là cần thiết. Khi các luật lệ đã chuẩn mực mà vẫn còn có trường hợp cố tình vi phạm thì các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc để đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội trên tinh thần thượng tôn pháp luật.