Không khó phát hiện
Qua các thông tin phản ánh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền việc điều chỉnh phá vỡ quy hoạch tại một số khu đô thị ở Hà Nội. Đã có tình trạng một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ được điều chỉnh chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Hà Nội không thiếu đất, sau khi mở rộng đã tăng diện tích lên 3.344km2, nhưng nội thành có mật độ xây dựng cực kỳ cao, đã tập trung quá tải dân cư mà rất nhiều cao ốc thương mại vẫn mọc lên, dẫn đến kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, rối rắm cảnh quan kiến trúc.
TPHCM cũng gặp tình cảnh tương tự, trên các trục đường bị bủa vây nhà cao tầng, hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp. Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã ùn tắc giao thông, lẽ ra hạn chế hoặc cấm xây nhà cao tầng từ lâu, nhưng đến nay vẫn có nhiều công trình nhà cao tầng đã và đang triển khai. Ngay các tuyến đường huyết mạch vốn kẹt xe và ngập nước cũng mọc lên thêm nhà cao tầng, khiến vấn nạn trên càng thêm trầm trọng.
Cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần và luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa không gian công cộng và phúc lợi của người dân. Dễ thấy nhất là những dự án bất động sản điều chỉnh tăng số tầng cùng với diện tích sàn, mật độ xây dựng; giảm diện tích công viên, cây xanh, nơi sinh hoạt chung, thậm chí là giảm bề rộng hành lang và lối đi giữa các căn hộ.
Ở nhiều đô thị, nơi trung tâm vốn chật hẹp nhưng vẫn điều chỉnh cho xây nhà cao tầng tập trung lượng lớn dân cư khiến tăng cao nhu cầu đi lại, cấp thoát nước… Ngay tại các nút giao, ngã tư thường ùn tắc giao thông vẫn điều chỉnh quy hoạch cấp phép xây trường học, siêu thị, chung cư, lập dự án phân lô bán nền. Hàng ngàn dự án quy hoạch “xí đất” trong nhiều năm trở thành dự án treo, khiến cuộc sống người dân đảo lộn, sống trong khu ngập nước và ô nhiễm, nhà ở không được mà bán không xong.
Phát hiện những trường hợp điều chỉnh bất hợp lý là không khó, nhất là đối với người làm quản lý chuyên ngành. Đó là căn cứ trên cơ sở khoa học, quy định xây dựng, pháp luật liên quan, quy trình thiết kế đồ án, tiêu chuẩn ngành; và xem việc điều chỉnh có lợi cho ai, đối tượng cụ thể nào.
Khắc phục những kẽ hở pháp luật
Luật Quy hoạch của nước ta vẫn còn những kẽ hở, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư lợi dụng xin điều chỉnh nhằm tăng tối đa lợi nhuận. Không ngoại trừ cán bộ công quyền được giao quản lý “tranh thủ” trục lợi, hay “quân xanh, quân đỏ” bắt tay nhau trong quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội, ảnh hưởng đời sống số đông người dân.
Theo Điều 20 về căn cứ lập quy hoạch, chỉ cần nêu lý do quy hoạch thời kỳ trước chưa phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển. Theo Điều 51 về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, chỉ cần không thay đổi mục tiêu quy hoạch, hoặc được cơ quan thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Kẽ hở này đã bị tận dụng để lập, điều chỉnh quy hoạch bừa bãi và tùy tiện.
Trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cần quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, ưu tiên tiện ích cho công cộng, sinh hoạt cộng đồng, lấy ý kiến người dân có liên quan. Khi lập hay điều chỉnh quy hoạch đều ưu tiên hạ tầng xã hội, đi kèm giải pháp phát triển bền vững đời sống xã hội. Đã đến lúc rà soát, xem xét lại và xử lý từ gốc đối với khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu và quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch địa phương có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể được thông qua, phê duyệt. Do vậy, nhiều nước trên thế giới không để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức nào đó đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học.