Vẫn “hồn nhiên”, “vô tư”!
Ghi nhận của chúng tôi trước khi có đề xuất của Sở GTVT về việc ngưng các xe buýt, xe khách giảm số chuyến bắt đầu từ 0 giờ ngày 28-3 thì Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) là nơi có lượng hành khách ra vào rất tấp nập, nên nơi này cần phải cẩn trọng phòng dịch. Thế nhưng, quan sát các hành khách đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, có thể thấy nhiều người vẫn lơ là, không đeo khẩu trang khi vào bến xe. Tại một số quầy bán nước giải khát trong bến, nhiều nhóm hành khách ngồi nói chuyện rôm rả, không ai đeo khẩu trang.
Các hành khách đến chỗ soát vé của nhà xe, có người đeo khẩu trang, người không. Nhân viên các hãng xe chất lượng cao vừa xếp hành lý của hành khách vào hầm xe vừa nói chuyện với nhau, cũng không hề đeo khẩu trang. Cánh tài xế xe ôm ở bến xe, nhiều người cũng không trang bị khẩu trang, vô tư chào mời khách đi xe.
Tối 26-3, trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UBND TPHCM đã nhắn tin đề nghị người dân hạn chế ra đường, không tập trung đông người, nhưng nhiều quán cà phê vẫn hoạt động và có nhiều khách, đa phần là giới trẻ. Nhân viên phục vụ tại quán và khách hàng đều không đeo khẩu trang. H.L. (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Văn Lang) thản nhiên cho biết: “Ở nhà suốt cũng chán, nên buổi tối tụi mình thường rủ nhau tới quán đánh vài trận game. Đeo khẩu trang rất bất tiện, khó chịu, với lại chỉ ngồi với nhóm bạn của mình thì biết là an toàn, nên không đeo làm chi”.
Điều rất đáng lo là dù đang trong mùa dịch, nhưng trên mạng xã hội vẫn thấy có rất nhiều hội nhóm bạn trẻ đang rao tuyển thành viên cùng nhau đi phượt trong những ngày đang rất rảnh rỗi mùa dịch. Anh C.B.H. (27 tuổi, nhân viên một ngân hàng tại TPHCM) cho biết: “Cuối tuần hoặc ngày nghỉ tụi mình thường lập nhóm đi phượt tới những địa điểm không quá xa TPHCM, như Vũng Tàu, Đà Lạt để giải tỏa căng thẳng, khám phá thiên nhiên. Thời điểm này, các khu du lịch đều vắng khách, nên đi dịp này đỡ đông đúc, không lo bị chặt chém”.
Nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng
Việc chính quyền TPHCM buộc tạm ngưng hoạt động đối với các tụ điểm vui chơi, giải trí, ăn uống, dịch vụ tập trung đông người để phòng dịch trong đợt cao điểm được dư luận đồng tình. Chị Võ Thị Hạ My (45 tuổi, chủ một quán cà phê trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp) cho biết: “Ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, quán của tôi đã trang bị máy đo thân nhiệt và tặng khẩu trang cho khách hàng đến quán. Tất cả vật dụng như ly, chén, dụng cụ pha chế, bàn ghế đều được nhân viên vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên. Dù tốn thêm công sức và chi phí nhưng tôi hiểu đó là việc cần làm. Nay quán phải tạm nghỉ phòng dịch, tôi vẫn chấp nhận, bởi vì đây là biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và cả các nhân viên của quán”.
Từ nhiều ngày trước, anh Hồ Hải Nam (47 tuổi, chủ một quán bún trên đường Lê Văn Việt, quận 9) đã xây thêm bồn rửa tay, mua nước rửa tay sát khuẩn cho khách hàng sử dụng. Nay anh tiếp tục chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo phòng dịch. Anh chia sẻ: “Tôi ý thức được tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh. Trong vòng hơn 10 ngày tới, dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nên không được chủ quan, lơ là. Từng người dân phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cả cộng đồng”.