Tình nguyện làm bất cứ việc gì
Biết đơn vị phân công làm việc tại nhà, ngay lập tức Đức đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch. “Không thể ngồi yên nhìn lực lượng tuyến đầu và các lực lượng chi viện cả nước đang tập trung mọi sức lực cho công tác chống dịch của thành phố, trong khi mình còn trẻ khỏe, đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19, tôi đăng ký tình nguyện. Làm được bất cứ điều gì lúc này cho thành phố, cho bà con, tôi đều sẵn sàng”, Đức tâm sự.
Đơn Đức viết vội trình Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường 13, quận Bình Thạnh có đoạn: “Bản thân tôi sẽ tự trang bị các dụng cụ, thiết bị y tế khi thực hiện nhiệm vụ. Với tinh thần tuổi trẻ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tôi cam kết sẽ nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được ban chỉ đạo phân công”. Đơn được duyệt, hành trình “vác tù và” của Đức bắt đầu nơi một trong những tâm dịch của TPHCM thời điểm đó - quận Bình Thạnh!
Ngày nào cũng vậy, khoác lên mình bộ trang phục cảnh sát, tròng thêm bộ đồ bảo hộ màu xanh, tay đeo găng, kính chống giọt bắn và kè kè bên mình chai xịt sát khuẩn, Đức ra khỏi nhà từ lúc vợ và 2 con còn say giấc. Trên chiếc xe máy cũ, Đức chất đầy nhu yếu phẩm và bắt đầu hành trình. Điểm đến của Đức luôn là các dãy nhà trọ, khu công nhân, lao động mất việc làm do dịch Covid-19…
Vừa đến nơi, Đức nhanh chóng tháo dây, thoáng chốc đã thấy Đức vác bao tải xăm xăm đi về dãy nhà trọ, vừa bỏ gạo, mì tôm, rau củ quả xuống cửa nhà, Đức nói thật to: “Cô chú ơi, ở yên trong nhà nhé, an tâm đừng lo thiếu lương thực, tụi con sẽ cố gắng vận động các mạnh thường quân đem đến cho cô chú. Con vừa được nghệ sĩ hài Việt Hương tài trợ 100 phần quà gồm gạo, nước mắm, trứng gà, cá hộp đây, con gởi bà con bồi dưỡng nâng cao sức khỏe nhé”…
Nhận được những phần quà từ tay Đức, nhiều người lao động nghèo nơi các khu nhà trọ rất xúc động, đứng từ xa nói lời cảm ơn và chờ anh lính chữa cháy khuất sau con hẻm mới trở vào. Đức tâm sự: “Dù chỉ là một ít lương thực, thực phẩm tôi mang đến với họ nhưng đó là món quà đầy ý nghĩa. Đi từng nhà, rà từng ngõ, gõ từng địa chỉ để phát lương thực cho bà con, tôi luôn thực hiện nghiêm túc 5K, tin tưởng bà con sẽ vượt qua khó khăn, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi”.
Giúp người khó là việc không thể chờ
Tốt nghiệp Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, Thượng úy Đỗ Ngọc Đức luôn đam mê màu áo lính cứu hỏa. Năm 2010, khi Cảnh sát PCCC thông báo tuyển dụng, Đức đã tham gia ứng tuyển và gắn bó với nghề cứu hỏa từ đó. Năm 2018, Đức được bầu làm Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Phòng PC07, Công an TPHCM).
Dù trái ngành được đào tạo nhưng với tinh thần xung kích, sáng tạo, ham học hỏi, Đức tự nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức cơ bản về PCCC, cách thoát nạn rồi xây dựng bài tuyên truyền, nhờ đồng đội góp ý, cùng đoàn viên trong chi đoàn đến từng khu phố, thôn xóm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng cháy, vận động chủ cơ sở, cửa hàng bán gas cùng lực lượng hỗ trợ bà con thay dây, khóa bình gas miễn phí…
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Đức không thể nhớ hết mình đã vận động được bao nhiều phần quà, bao nhiêu tấn gạo, nhưng từng hoàn cảnh, người dân lao động Đức lại nhớ như in; những địa chỉ, xóm trọ khắp các quận huyện, hoàn cảnh thế nào, nghề nghiệp ra sao thì Đức nằm lòng. Trong một lần đến khu phố 3, phường 3, quận 8 để tuyên truyền kiến thức PCCC cho bà con xóm lao động, Đức quen chị Hai Thân.
Dù rất khó khăn và đang nuôi con gái nhỏ bị u não nhưng chị luôn giữ tinh thần lạc quan, đặc biệt quan tâm đến người khác. Trong suốt buổi tuyên truyền, chị xung phong tham gia thực hành, hỗ trợ đội thu gom vật dụng, tiễn Đức ra tới đầu đường 2 mẹ con chị mới quay trở về. Kể từ đó, cứ mỗi lần có dịp đi qua quận 8, Đức lại ghé thăm chị và biếu 2 mẹ con chị thêm lương thực, thực phẩm.
Tuần vừa rồi, khi Đức quay trở lại thì con gái chị đã mất, thấy Đức chị bật khóc nức nở, chị nói: trước khi con bé mất, nó thì thào nhắc chú Đức… Kể về người bạn nhỏ, giọng Đức trầm hẳn: “Dịch bệnh là hoàn cảnh cực kỳ cấp bách, những người yếu thế hơn chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, họ thật sự cần được hỗ trợ, dù ít đều có ý nghĩa. Trong hoàn cảnh đó, tôi không cho phép mình chần chừ. Nếu làm được điều gì trong khả năng mình, tôi đều không ngần ngại. Giúp người khó trong khi mình có khả năng thì không nên chờ đợi”.
Với bạn bè, đồng đội, Đức là người sống rất chân thành và luôn nhận phần khó khăn, gian khổ về mình. 11 năm gắn bó công việc với Đức, nhiều đồng nghiệp nhận xét, Đức là một con người “đặc biệt”, bởi anh đã chọn cho mình cách sống san sẻ yêu thương rất bình dị. Chính sự bình dị mà Đức lựa chọn đã góp thêm niềm tin về hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân, viết thêm những câu chuyện yêu thương mùa dịch nơi thành phố mang tên Bác.