Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản ùn ứ đầu ra, rớt giá thảm hại, buộc xã hội phải chung tay “giải cứu”. Câu chuyện “giải cứu” đàn heo hiện nay chính là giọt nước tràn ly của tình trạng sản xuất nông nghiệp bấp bênh.
Cuối tháng 2 vừa qua, nông dân ở Đồng Nai điêu đứng vì thương lái Trung Quốc ép giá chuối. Nhiều vườn không có thương lái đến mua, nông dân đành để chuối chín hư, làm thức ăn cho bò, dê… Bước sang tháng 3, điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn với hàng trăm hécta dưa hấu ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), và sang tháng 4, tháng 5 là đàn heo khắp cả nước rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Trước đó không xa, là hành tím ở Sóc Trăng, ổi ở ĐBSCL và hàng chục mặt hàng nông sản khác trong tình trạng thừa mứa, bán không ai mua, buộc các tổ chức xã hội, chính quyền, và cả… Chính phủ phải vào cuộc tìm biện pháp tháo gỡ.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa như nước ta lại thường xuyên va vấp những bài thi thị trường mà kết quả bao giờ điểm cũng kém, trong khi chúng ta có đầy đủ các bộ phận chuyên môn, hiệp hội ngành nghề và các cơ quan từ trung ương đến địa phương?
Sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo hợp đồng hay “liên kết 4 nhà” là những “bài tủ” đã được chỉ ra lâu nay nhưng với những gì đang diễn ra trên thị trường nông sản, thì có vẻ nông dân hay chủ các trang trại chưa bao giờ thuộc bài, chứ đừng nói “trúng tủ”. Câu chuyện “giải cứu” các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc, giá rẻ như bèo ngay trên đồng ruộng đã không còn là chuyện lạ trong những năm gần đây. Ngay cả với gạo, mặt hàng nông sản chiến lược, thì hàng năm, Chính phủ cũng phải bỏ tiền mua tạm trữ hàng triệu tấn nhằm giữ giá giúp nông dân có được chút lãi. Việc trồng cây gì, nuôi con gì đã từng được đặt ra với không ít bài học kinh nghiệm, nhưng vì sao vẫn tái diễn?
Theo ngành nông nghiệp và công thương, mặc dù một số nơi nông dân đã liên kết với doanh nghiệp lớn sản xuất theo quy trình và yêu cầu của nhà nhập khẩu, song hầu hết vẫn “tự bơi” theo thị trường mà không nắm bắt được thông tin, dự báo của các cơ quan có trách nhiệm. Đáng nói hơn, trong khi nhiều loại nông sản này rớt giá, ế ẩm thì cũng chính các mặt hàng hành tím, chuối ngoại nhập vào Việt Nam, hay được trồng theo quy trình công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được bán với giá rất cao và được thị trường chấp nhận. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là hệ quả của một nền nông nghiệp thiếu chiến lược, thiếu tổ chức sản xuất bài bản, chuyên nghiệp.
Các giải pháp được đưa ra vẫn chỉ mang tính tạm thời, trong khi hướng lâu dài thì bộc lộ quá nhiều bất cập. Vấn đề bất cập nhất là chúng ta đợi “đụng chuyện” mới nghĩ ra giải pháp, mà không chủ động trước, chỉ theo đuôi các sự kiện và đi khắc phục hậu quả. Đây là cách làm theo lối “tiểu nông” truyền thống, trong khi cơ chế thị trường đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nắm bắt quy luật cung cầu. Việc kêu gọi giải cứu thịt heo là một nỗ lực, một nghĩa cử đáng trân trọng của cộng đồng, nhưng khi chúng ta tập trung vào thịt heo, vậy còn những mặt hàng khác sẽ ra sao, rõ ràng là không ổn và đây cũng không phải là giải pháp căn cơ.
Một chuyên gia kinh tế ở ĐBSCL nêu ý kiến: Ngay bây giờ, ngành chức năng phải có sự sắp xếp lại và chủ động, không chạy theo đuôi các sự việc nữa, chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường với “quy luật ngàn đời” là mối quan hệ cung cầu, quy luật giá trị. Sự can thiệp của nhà nước là cần thiết nhưng không phải can thiệp hành chính, hoặc bằng những giải pháp “tình cảm” (tất nhiên vẫn có những tác động nhất định). Về lâu dài phải điều tiết từ chính sách, từ quy hoạch, cơ chế cho việc vận hành. “Một con heo xuất chuồng phải có quá trình, sao việc đó lại không được tính ngay từ đầu?”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
Chúng ta đều biết rằng, việc “giải cứu” tìm đầu ra cho nông sản ế chỉ là giải pháp trước mắt, cần có những giải pháp lâu dài, bền vững ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản. Các chuyên gia cho rằng, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản; phải tổ chức phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu được quy hoạch. Liên kết được các hộ nông dân, trang trại nhỏ lẻ thành hợp tác xã mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, ký kết hợp tác với doanh nghiệp chế biến, nhà bán lẻ, nhà xuất khẩu. Các chuyên gia khác cũng cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý chính là cảnh báo thông tin thị trường kịp thời cho người dân, đơn cử như khi thị trường Trung Quốc siết cửa biên giới hay nước này dư thừa nguồn cung, có thêm nguồn hàng giá rẻ, chất lượng hơn từ nước khác cung cấp thì các bộ, ngành phải nắm bắt thông tin sớm, thông tin ngay cho các địa phương để nông dân nắm thông tin, tự điều tiết sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm nông sản, chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Có như vậy, chúng ta mới vượt qua được tình cảnh “chung tay giải cứu nông sản” như thời gian vừa qua.