Còn ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT), xác nhận, bộ đã trình bản dự thảo cuối cùng lên Chính phủ và đang chờ ban hành chính thức, có thể trong tháng 1-2024.
Theo Luật Bảo vệ môi trường thì từ ngày 1-1-2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm mở rộng tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ đối với các sản phẩm gồm pin, ắc quy, săm lốp, dầu nhớt, bao bì. Doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế với định mức cụ thể có chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.
Đây là vấn đề khó, có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn thấy trước điều này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) đã có quy định riêng về thời hạn thực hiện tái chế, với trường hợp nêu trên là lùi tới 2 năm.
Thế nhưng, tại cuộc họp tham vấn tổ chức vào giữa tháng 12-2023, vẫn còn những ý kiến băn khoăn về dự thảo định mức chi phí tái chế. Theo ông Phan Tuấn Hùng, mỗi quốc gia có thể có Fs khác nhau do chi phí lao động, công nghệ, thu gom… khác nhau. Fs cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải. Thêm nữa, việc đề xuất Fs cần có sự đồng thuận bởi các bên có liên quan.
Mấu chốt ở đây chính là “sự đồng thuận”. Về phía doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội cho rằng, dự thảo đang có nhiều định mức tái chế (Fs) cao bất hợp lý và chưa trừ đi giá các vật liệu thu hồi được. Chẳng hạn, với tái chế lon nhôm, các nhà tái chế chính thức thu lãi khoảng 700-1.286 tỷ đồng một năm.
Cũng cần lưu ý thêm, theo Văn phòng EPR (đơn vị tổ chức quản lý, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu), chi phí tái chế thực tế là khác nhau giữa các cơ sở, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ, trang thiết bị, xuất xứ từ các nước, sản phẩm đầu ra, yêu cầu chất lượng phế liệu đầu vào.
Cách thức triển khai đóng góp tái chế cũng được đại diện doanh nghiệp đề xuất thay đổi từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào tháng 4-2025), để doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường nhưng giảm được áp lực nguồn tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong được kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức.
Không nghi ngờ gì, việc áp dụng Fs là tất yếu nhằm hướng tới một môi trường sạch hơn, an toàn hơn, đồng thời thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu không có định mức khả thi, việc triển khai chính sách sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp. Người dân cũng bị ảnh hưởng khi giá cả hàng hóa tăng cao vì phải cộng thêm chi phí.
Về phần mình, đây là lúc các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, hợp lý hóa quy trình sản xuất, phát huy sáng tạo và đặc biệt là tìm hiểu, liên kết với nhau để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí.
Theo lộ trình, ngành điện, điện tử sẽ phải tái chế sản phẩm bắt buộc từ ngày 1-1-2025. Lĩnh vực ôtô và xe máy phải thực hiện quy định tái chế từ năm 2027. Việc thực hiện suôn sẻ bước đầu tiên trong năm nay có ý nghĩa rút kinh nghiệm, tạo đà thực hiện tốt các nhiệm vụ ngày càng phức tạp hơn này.