Nhưng chừng nào những điểm nghẽn nội tại chưa được khơi thông, dù có được “bay bổng”, Việt Nam vẫn chưa thể “hóa rồng”, bởi không thể hóa rồng nếu chỉ biết bay.
Cho đến cuối tháng 9-2022, một số hãng truyền thông vẫn đưa ra các dự báo hết sức lạc quan về kinh tế Việt Nam, như tốc độ tăng trưởng ấn tượng, lạm phát được kiềm chế và tỷ giá ổn định... Nhưng đến tháng 10, mọi thứ đột nhiên quay đầu, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn từ nội tại đến ngoại lai, thời điểm vốn được xem là lúc tạo đà để bứt tốc cho năm tiếp theo.
Từ chính sách tiền tệ
Đầu tiên là trần tăng trưởng tín dụng. Cơ quan điều hành vẫn nhất quyết cho rằng không thể bỏ công cụ này, bởi có thể sẽ gây ra những cuộc đua lãi suất. Nhưng dưới góc nhìn khoa học, sự tồn tại của công cụ này không thể ngăn được tình trạng trên. Và thực tế, sau đó NHNN phải nới room để nương theo thị trường khi cuộc đua lãi suất nóng lên, và mặc nhiên “bỏ qua” những vi phạm. Cuối cùng, tính chính danh của công cụ đó sẽ bị đặt dấu hỏi lớn.
Khi tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá mà vẫn còn áp room tín dụng, sẽ khiến lãi suất đầu ra tăng cao và khó có doanh nghiệp (DN) nào chịu nổi nếu Nhà nước không chi tiền hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc áp dụng room cũng làm các ngân hàng (NH) kém cạnh tranh, vì dù NH khỏe hay yếu cũng được cấp room, tức đều có phần trong “miếng bánh”. Nhưng đôi khi các NH nhỏ muốn cải thiện thị phần nên tăng lãi suất, lôi kéo các NH lớn nhập cuộc, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất.
Tín dụng là mặt hàng của thị trường, cần trả về cho thị trường điều tiết. NHNN không nên can thiệp chỉ vì muốn bảo vệ một số NH yếu kém. Cơ chế sàng lọc, đào thải khắc nghiệt của thị trường sẽ làm chính nó trở nên lành mạnh. Về chính sách, cơ quan quản lý chỉ nên khống chế cung tiền, kiểm soát các chỉ số an toàn vốn và điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất mục tiêu.
Ngoài ra, để giảm áp lực cho chính sách tiền tệ, Quốc hội nên cân nhắc cho phép Chính phủ linh hoạt điều hành theo hướng có thể nới mức lạm phát lên trên mức mục tiêu, thí dụ 4% trong khoảng thời gian nhất định. Sau đó, trong những năm thị trường thuận lợi sẽ hạ mức mục tiêu thấp hơn 4%, miễn sao mức trung bình lạm phát trong giai đoạn đó vẫn đạt 4%.
Đến việc điều hành xăng - dầu
Tiếp đó là việc điều hành nguồn cung xăng, dầu. Những nguyên nhân khách quan như căng thẳng xung đột Nga-Ukraine, thiếu hụt nguồn cung, chi phí vận chuyển và giá USD tăng, chỉ là vấn đề mới phát sinh. Nguyên nhân chính là sự bị động của cả cơ chế điều hành giá xăng, dầu của cơ quan quản lý ngành. Từ tháng 9-2022 khi châu Âu chuyển sang mua dầu từ các thị trường khác do Nga dừng cấp khí đốt, Việt Nam đã nhìn thấy sự thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, do sự thiếu nhanh nhạy của cơ quan quản lý trong việc nắm bắt sự chuyển động thị trường, đã dẫn đến chậm trễ trong những quy định pháp lý và gây ra bất ổn nội địa.
Giải pháp trước mắt là có khung pháp lý linh hoạt hơn cho cách tính giá cơ sở theo sát với diễn biến giá thế giới, mở rộng biên độ dao động của các chi phí cung ứng, vận chuyển, tránh tình trạng dồn lỗ cho các thương nhân đầu mối và bán lẻ. Đồng thời, xem xét giảm thời gian kỳ điều hành để bám sát hơn với biến động thị trường và phản ứng nhanh chóng với các bất ổn (nếu có), vừa đảm bảo có chính sách hợp lý và tránh tình trạng các cây xăng găm hàng. Nhưng trên hết vẫn là sự chủ động và có trách nhiệm của các cơ quan điều hành vĩ mô.
Những chuyển động mới của thị trường lao động
2 năm bị “bầm dập” do dịch Covid-19, có không ít người trẻ, sinh viên, dần bị rơi ra khỏi thị trường lao động chính thức, phải làm những công việc tự do như giao đồ ăn và tài xế công nghệ. Bên cạnh đó, nhằm đáp lại sự khắc nghiệt của thị trường lao động, không ít lao động trẻ chuyển sang làm freelancer (làm việc tự do theo đặt hàng, không thuộc về bất kỳ đơn vị nào) để tìm kiếm cuộc sống tự do và cân bằng. Thực tế này khiến các cơ quan chức năng cần thiết kế các chế độ an sinh và bảo hiểm riêng cho những đối tượng trên.
Vấn đề nữa, là bộ mặt mới của lực lượng lao động. GenZ - thế hệ đang dần xâm chiếm thị trường lao động. Thế hệ lao động trẻ này đa số rất xem trọng sự trải nghiệm, muốn được trao quyền để chứng tỏ bản thân. Vì thế, đây cũng là thách thức cho các DN trong việc tuyển chọn người phù hợp cho DN mình.
Khu vực tư trước các biến động
Bài học lớn các DN trong năm 2022, là việc xử lý những rắc rối trên thị trường trái phiếu. Câu chuyện bê bối của hàng loạt tập đoàn bất động sản lớn như FLC, Tân Hoàng Minh... kéo theo NHTMCP Sài Gòn (SCB) liên quan đến trái phiếu khiến không ít nhà đầu tư lo ngại. Đặc biệt, trong thời điểm nguồn tín dụng eo hẹp, những tiếng nói đề nghị giải cứu khẩn cấp thị trường bất động sản càng thêm thúc giục.
Các DN nên dần từ bỏ cách vận hành bị động như vậy. Bản thân mỗi DN ngoài việc chuẩn bị các phương án đề phòng tai tiếng xảy ra với mình, còn phải sâu sát với diễn biến thị trường ngành mình để thiết kế các kịch bản đối phó, với viễn cảnh không may bị vạ lây từ “quả bom” khủng hoảng truyền thông nổ ra ở DN nào đó trong ngành. Mỗi DN phải tự lo lấy thân, trước khi các cơ quan chức năng can thiệp để trấn an niềm tin công chúng. Bởi Nhà nước không có “nhiều tay” để chìa ra cho tất cả DN ở mọi ngành nghề.