Thực tế, nhiều người có tâm lý bất an khi trong cuộc sống đối diện với nhiều bất trắc do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trước những bất trắc, lẽ thường người ta sẽ tìm mọi cách để có thể giảm bớt những điều không mong muốn xảy ra với bản thân hay gia đình mình. Tôn giáo có thể mang lại sự bình an trong tâm hồn và có thể là một trợ lực hữu ích cho con người những lúc nguy nan trong cuộc sống, nhưng đó phải là những hoạt động tôn giáo thật chứ không phải hoạt động giả tôn giáo hay giả tín ngưỡng.
Có những người quan niệm rằng đồng tiền là phương cách để giải quyết nhanh chóng mọi việc, kể cả những vấn đề thuộc về tín ngưỡng, tâm linh. Thế nên họ sẵn sàng bỏ ra một số tiền để cúng giải hạn, giải nghiệp chướng. Thế nhưng thực tế những bất trắc hay khó khăn mà chúng ta đang phải đối diện trong cuộc sống không thể được giải quyết bằng những hoạt động mang tính giả tôn giáo ấy. Nếu cúng sao giải hạn, cúng tiền giải nghiệp chướng mà bản thân mỗi người không thay đổi, không suy nghĩ để tìm cách giải quyết thì vấn đề đó vẫn cứ tồn tại.
Để tạo dựng một xã hội an bình, một cuộc sống tốt đẹp thì cả nhà nước lẫn từng người dân phải cùng tham gia kiến tạo bằng những nỗ lực cụ thể trên thực tế, bởi chẳng thể nào giải quyết được nạn thất nghiệp, tai nạn giao thông, vấn nạn nghèo đói hay ngộ độc thực phẩm bằng các hành động giả tâm linh hay giả tôn giáo được, mà phải bằng những hành động thiết thực. Tức là những vấn đề của đời sống thực, những vấn đề của con người chỉ có thể được khắc phục bằng những hành động thiết thực, những nỗ lực của chính bản thân con người, chứ không thể giải quyết được bằng tiền qua những hành động mê tín dị đoan.