Không thể dung túng đối tượng khủng bố

Những ngày gần đây, trên một số trang mạng xã hội, kênh truyền thông hải ngoại, các thế lực thù địch, phản động, người có định kiến với Việt Nam đã lan truyền nhiều tin, bài về đối tượng Y Quynh Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt và bị Tòa án Hình sự Bangkok phán quyết dẫn độ về Việt Nam. Họ kêu gọi, vận động gây áp lực dư luận để nhà chức trách Thái Lan xem xét lại việc thực hiện phán quyết, đòi trả tự do vô điều kiện cho Y Quynh Bdap.

Từ một kẻ khủng bố, Y Quynh Bdap đã được thổi phồng thành “hiệp sĩ tự do”, “người can đảm”, “dám đấu tranh vì đồng bào dân tộc thiểu số”. Họ cho rằng, Y Quynh Bdap sẽ bị trả thù và gặp nguy hiểm nếu bị dẫn độ.

Xuyên tạc sự thật

Những luận điệu tương tự như trên không phải lần đầu mới xuất hiện, mà thường xuyên lặp lại như một giai điệu cũ kỹ. Với mục tiêu chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc tình hình nhân quyền nước ta. Họ cố tình đánh tráo khái niệm, đồng nhất các cá nhân phạm pháp đã bị xử lý với “nhà hoạt động nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”; cho rằng việc giam giữ các cá nhân đó là “trừng phạt vô nhân đạo”.

Việt Nam là nước đặc biệt coi trọng vấn đề nhân quyền và có rất nhiều nỗ lực để đảm bảo nhân quyền, phẩm giá con người. Vấn đề quyền con người đã được thể hiện trong các văn bản chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta cũng đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người.

Thành tựu nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho hơn 100 triệu dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an cư, lạc nghiệp. Từ một nước nghèo, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam (năm 2022) là 0,726, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số hạnh phúc (năm 2023) xếp thứ 65/137 quốc gia; chỉ số hòa bình toàn cầu (năm 2023) đứng thứ 41/163 quốc gia.

Những nỗ lực trong thực thi nhân quyền của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nước ta lần thứ hai được bầu và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu 184/192, cao nhất trong 14 nước thành viên của Hội đồng.

Tất cả luận cứ nêu trên là minh chứng thuyết phục nhất phản bác lại luận điệu vu cáo “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, cổ súy, ca ngợi các phần tử có hành vi sai trái, đi ngược với lẽ phải, pháp luật.

Xét xử đúng người, đúng tội

Thực tế, những người được các đối tượng nói trên ca ngợi là “nhà hoạt động nhân quyền” đều phạm các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự và bị xét xử đúng người, đúng tội.

Đối với Y Quynh Bdap, đối tượng này đã từng bị cơ quan công an khởi tố, bắt giam 5 tháng vào năm 2012 nhưng được hưởng khoan hồng, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Năm 2018, Y Quynh Bdap vượt biên sang Thái Lan, tham gia thành lập “Nhóm người Thượng vì công lý”. Tổ chức này ra sức tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, đòi ly khai, tự trị, tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam.

Hẳn chúng ta chưa quên vụ khủng bố xảy ra ngày 11-6-2023 tại xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Các phần tử khủng bố trang bị súng, vũ khí tự chế đã tấn công trụ sở chính quyền và người dân trên đường đi, làm 9 người chết (6 cán bộ công an xã, 3 người dân), 2 người bị thương (đều là cán bộ công an xã), bắt giữ 3 con tin (đều là người dân). Khi bị bắt giữ, chúng đã khai là “nhận được chỉ đạo, nếu gặp cán bộ và công an xã thì giết chết, cướp tài sản, súng đạn”.

Kẻ đứng ra tuyển mộ, kích động và chỉ đạo vụ khủng bố trên chính là Y Quynh Bdap. Đối tượng này đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử và kết án 10 năm tù về tội khủng bố.

Dù ở bất cứ quốc gia, bất cứ chế độ chính trị nào, lợi ích của cộng đồng, tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp của người dân luôn được tôn trọng, bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hầu hết các nước đều coi khủng bố là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đưa ra biện pháp xử lý mạnh mẽ và trừng trị bằng hình phạt nghiêm khắc.

Vậy nên, việc Việt Nam bắt giam, kết án các đối tượng vi phạm pháp luật nước mình dựa trên cơ sở vững chắc, hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Sự kiện Việt Nam đề nghị nhà chức trách Thái Lan dẫn độ Y Quynh Bdap về nước để thi hành án là phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết hợp tác giữa hai nước. Điều này phải được tôn trọng, ủng hộ, tạo điều kiện.

Không biết vì lý do gì một kẻ chủ mưu khủng bố lại trở thành “người hùng”, “nhà hoạt động nhân quyền”? Có “nhà hoạt động nhân quyền” nào mà gây ra tội ác giết người man rợ, tạo ra những mất mát, ám ảnh khó lòng có thể nguôi ngoai, phai mờ? Tại sao một số cá nhân, tổ chức tự xưng là lực lượng tiến bộ, bảo vệ nhân quyền lại bất chấp lý lẽ, can thiệp, bao che cho phần tử vi phạm pháp luật, phần tử khủng bố?

Có thể nói, cáo buộc, đòi hỏi mà các thế lực thù địch, phản động, người có định kiến với Việt Nam đưa ra là vô căn cứ, nhằm thực hiện mưu đồ bất chính, “cố tình rắc cát vào cỗ máy”. Những hoạt động của họ đã, sẽ gây tổn hại đến an ninh Việt Nam cũng như khu vực, quốc tế và cần phải được lên án, ngăn chặn.

Việt Nam coi nhân quyền là những giá trị cao quý, thiêng liêng cần phải được bảo vệ. Dân tộc ta vốn có truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Tuy nhiên, bảo vệ nhân quyền luôn đi liền với việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng phạm tội, lợi dụng vấn đề này để làm tổn hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Pháp luật cần phải được thực hiện và không có thế lực nào có thể níu kéo được lẽ phải, công lý.

Tin cùng chuyên mục