Tham dự chương trình có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Lê Hải An.
Tham gia không gian của ngày hội có 80 dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ, kinh doanh, tài chính, giáo dục, y tế, dịch vụ… được giới thiệu.
Ngày hội cũng có các diễn đàn thảo luận về các chủ đề khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp, ươm tạo khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
Điểm nhấn của ngày hội năm 2018 là cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp-SWIS 2018” được tổ chức với quy mô toàn quốc với sự tham gia của 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông.
Cuộc thi dành cho HSSV có độ tuổi từ 16-24 và được phát động từ tháng 9-2018 đến nay. Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi gửi về, trong đó có 15 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng chung kết. Nhiều dự án đã được triển khai và bước đầu đã có những thành công nhất định. Nhiều dự án đã được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi, các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.
Ngày hội cũng là dịp để các doanh nghiệp có thể lựa chọn cho mình những dự án khởi nghiệp có chất lượng tốt, khả thi tại Vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp HSSV năm 2018 để đầu tư, hỗ trợ, ươm tạo tiến tới hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị trong tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm truyền tinh thần khởi nghiệp, khát vọng dấn thân, không sợ thất bại đến với sinh viên. Nhiệm vụ đầu tiên của sinh viên là học tập thật tốt. Tu dưỡng để là con người tốt, có ý tưởng, hoài bão để lan tỏa ý tưởng đó ra xã hội. Chúng ta không chỉ đặt kỳ vọng vào Đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 mà quan trọng là khơi dậy cho các em là tinh thần khởi nghiệp, có khát vọng khởi nghiệp.
“Đất nước ta chưa bao giờ phấn khởi phát triển và có tương lai rực rỡ như hôm nay nhưng chúng ta vẫn chỉ là nước thu nhập thấp. Chúng ta muốn giàu không thể đợi đất nước khác đến làm giàu cho Việt Nam mà nhất định Việt Nam chúng ta phải tự giàu lên. Tất cả mọi người, trước hết là từng người trẻ, trong đó có những người được Đảng, Nhà nước, nhân dân, bố mẹ, gia đình, quê hương… tạo mọi điều kiện vật chất, tinh thần để bước vào giảng đường đại học, cao đẳng phải khơi dậy trong mình khát vọng cháy bỏng đó. Đó chính là sự đền ơn đáp nghĩa tốt nhất cho cha mẹ, gia đình, quê hương, cho lớp lớp các anh hùng liệt sĩ, anh hùng dân tộc đã hi sinh để có đất nước như ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng nhắn gửi.
Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học ít hơn nhiều so với thế giới, việc dạy và học theo giáo trình sẵn có. Giảng viên truyền thụ kiến thức một chiều, tự đặt mình cao hơn sinh viên về trí tuệ, hiểu biết. Các trường đại học thụ động nhận bao cấp. Tất cả những điều này đã bắt đầu thay đổi nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, các trường đại học, giảng viên cần hướng dẫn, cùng thi đua với sinh viên, sáng tạo trong giảng dạy, tổ chức công việc của mình để thực hiện tự chủ đại học, tạo tri thức mới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp sẽ là "bà đỡ" cho những ý tưởng Start-up. Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các bạn sinh viên cần lan toả tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, minh chứng là các sản phẩm, các dự án khởi nghiệp của HSSV trong cả nước mang đến trưng bày thông qua các gian hàng tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia của SHSV năm 2018 rất phong phú, sáng tạo. Đặc biệt là có sự góp mặt của các dự án khởi nghiệp đến từ các em học sinh phổ thông ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng tinh thần khát khao khởi nghiệp và mong muốn được hiện thực hóa các ý tưởng của mình.