Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật cao tốc Việt Nam (VECE), đơn vị quản lý khai thác tuyến đường này, cho rằng, nguyên nhân do hạn chế tầm nhìn vì ảnh hưởng khói khi người dân đốt đồng bên phải tuyến cao tốc, cháy lan vào trong hành lang an toàn.
Theo đơn vị này, việc đốt rơm rạ khô trên đồng sau mỗi mùa vụ là tập quán canh tác ngàn đời của nông dân, không phải chỉ trên tuyến đường này mà còn ở nhiều tuyến đường khác trên cả nước. Với tư cách là đơn vị khai thác tuyến đường ngang qua phần đất ruộng của dân, VECE không thể nghiêm cấm hoặc yêu cầu địa phương nghiêm cấm người dân đốt đồng.
Công ty đã phối hợp cùng địa phương tuyên truyền về việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đặc biệt khi đốt rơm rạ ở các vị trí gần hành lang an toàn đường cao tốc, trong trường hợp bà con đốt rơm rạ ở các vị trí có nguy cơ cháy lan cao thì tăng cường gác trực, chuẩn bị đầy đủ các thiết bị và lực lượng phòng cháy chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, siết chặt quy chế phối hợp với các đơn vị dọc tuyến cao tốc trong công tác ứng phó phòng cháy chữa cháy. Việc đốt rơm rạ khô diễn ra trong thời gian nhất định trong năm và hoàn toàn có thể lên kế hoạch trước.
Vậy mà vào thời điểm người dân đốt rơm rạ, đơn vị quản lý và địa phương dọc tuyến không cảnh báo, cũng không hề có biện pháp kiểm soát phòng ngừa khói và cảnh báo cho tài xế biết nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Nhiều tài xế cho biết tình trạng đốt rơm rạ trên tuyến đường này xảy ra thường xuyên với khói bốc cao, đi từ xa tưởng là cháy ô tô trên cao tốc. Thế nhưng, đơn vị quản lý cao tốc vẫn thờ ơ dù ở đây có gắn camera theo dõi hành trình.
Theo luật sư Hà Văn Luyện - Đoàn luật sư TPHCM, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là loại đường BOT có thu phí. Đơn vị chủ quản làm đường cho xe đi và thu phí là một loại dịch vụ kinh doanh thương mại. Trong đó, đơn vị chủ đầu tư phải đảm bảo tối thiểu các điều kiện lưu thông an toàn cho các phương tiện, không bị khói, bụi cản trở tầm nhìn.
Việc để người dân tự ý đốt rơm rạ khiến các phương tiện tham gia giao thông không thấy đường dẫn tới tai nạn là do lỗi không đảm bảo yêu cầu mà hợp đồng dịch vụ đặt ra và khói là nguyên nhân gây tai nạn. Thông tư 90/2014/TT-BGTVT Điều 13, điểm 2, mục A cũng khẳng định rõ trách nhiệm phát hiện và xử lý các bất thường để đảm bảo an toàn giao thông của Ban quản lý khai thác đường cao tốc: “Phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, các vi phạm quy định về an toàn giao thông, vi phạm phương án tổ chức giao thông, các tai nạn, sự cố giao thông và báo cáo kịp thời”.
Do đó, vụ tai nạn vừa qua là không thể đổ hết lỗi cho người dân (đốt rơm rạ, tài xế không giữ khoảng cách an toàn) mà đơn vị quản lý không liên can gì. Dân đốt rơm rạ là thói quen canh tác, pháp luật không cấm, diễn ra thường xuyên theo mùa vụ và chưa bao giờ được cấp chính quyền cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Đơn vị quản lý đường cao tốc không thông báo kịp thời những diễn biến không mong muốn như thiên tai, thời tiết, khói mù… và đó là nguyên nhân chính gây ra tai nạn liên hoàn vốn có thể không xảy ra nếu đơn vị quản lý đường cao tốc điều tiết luồng xe, không cho lưu thông khi có khói mù.