Văn bản yêu cầu Netflix nghiêm túc thực hiện rà soát, loại bỏ những bộ phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và chấm dứt hiển thị chuyển ngữ tiếng Việt trong các bộ phim, chương trình truyền hình trên kho nội dung của Netflix cung cấp đến người sử dụng tại Việt Nam.
Văn bản có đoạn: “Trong thời gian tới, nếu trên dịch vụ của Công ty Netflix cung cấp đến người sử dụng tại Việt Nam tiếp tục xuất hiện các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam sẽ xem xét các biện pháp phù hợp để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Netflix bị nhắc nhở về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam khi cung cấp dịch vụ truyền hình tới người sử dụng.
Trước đó, tháng 5-2020, cục đã từng có công văn chỉ rõ những nội dung xuyên tạc về chủ quyền, lịch sử Việt Nam, đồng thời đề nghị công ty phải biên tập các nội dung phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Dù nhắc nhở, cảnh bảo, song lỗi này lại tiếp tục bị lặp lại.
Hiện ở Việt Nam đang xuất hiện nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu tiền thuê bao như WeTV, IQIYI, Netflix... Điểm chung của nội dung trên nhiều dịch vụ này là cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không phù hợp truyền thống, văn hóa Việt Nam; việc chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục; không tuân thủ quy định pháp luật về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Trước hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng, không thể chấp nhận những điều không lành mạnh trên các nền tảng này, đặc biệt, phải thẳng tay loại trừ thông tin xuyên tạc về chủ quyền và lịch sử của Việt Nam.
Hiện, Bộ VH-TT-DL thực hiện rà soát, lập danh mục các văn bản liên quan đến lĩnh vực điện ảnh; xem xét nội dung các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đánh giá những nội dung không còn phù hợp của Luật Điện ảnh so với cam kết của Việt Nam với quốc tế và hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến nội dung quy định trong Luật Điện ảnh so với hệ thống pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội hiện nay để có những điều chỉnh phù hợp. Đây cũng là một động thái thể hiện sự quyết liệt của các đơn vị chức năng nhằm sớm lập lại môi trường lành mạnh, văn minh với điện ảnh, truyền hình.