Có người thì cho rằng đây là hiện tượng gây sốc! Cũng có ý kiến phân tích rằng mặc dù lỗi hoặc quyết định từ phía sinh viên nhưng nếu buộc các em thôi học, đẩy các em ra ngoài xã hội sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực.
Dưới góc độ của người làm trong ngành GD-ĐT, chúng tôi cho rằng các trường mạnh tay và nghiêm khắc trong việc này là hoàn toàn hợp lý, dù có đau lòng! Điều gì sẽ xảy ra nếu như để lại những em chây lười không chịu học, những em không đạt chất lượng vẫn được nhận tấm bằng nhờ sự nương nhẹ tay của thầy cô và nhà quản lý?
Nếu có sự nương tay thì đó chính là việc không công bằng với các bạn sinh viên có trách nhiệm về việc học. Chỉ tiếc rằng, có cả các em đã từng là học sinh giỏi các cấp mà không thể trụ lại giảng đường ĐH, để lọt vào danh sách bị buộc thôi học do thái độ học, do thiếu kỹ năng, do chây lười, thậm chí do cả chủ quan - với kiểu nghĩ và tin rằng “vào được thì chắc hẳn sẽ ra được”…
Quy chế đào tạo theo tín chỉ vốn có sự thoáng và hướng vào sự tự nguyện chủ động của người học, lẽ ra các em phải tranh thủ phát huy, lượng sức để nếu có thể thì rút ngắn thời gian đào tạo hợp lý, nhưng nhiều em lại chủ quan, ỷ lại, để rồi bị buộc thôi học vì vượt quá thời gian đào tạo tối đa.
Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có khoảng 11% sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn (3 - 3,5 năm) với tỷ lệ giỏi, xuất sắc. Nhưng cuối năm 2016, cũng có cả ngàn em rơi vào danh sách phải thôi học, trong đó có tỷ lệ kha khá là do vượt quá thời gian đào tạo (8 năm, trường đào tạo theo tín chỉ từ 2008, con số này là con số lũy kế từ vài năm trước).
Nhìn một cách đầy đủ, ở đây còn có nguyên nhân do các em chọn ngành chọn nghề chưa được như ý. Có em do chưa hiểu và ý thức được việc mình đang và sẽ phù hợp với nghề/ngành này nhưng lại tự nhiên rơi vào lĩnh vực khác. Nhưng cũng có nguyên nhân không phải từ phía các em.
Có khá nhiều trường hợp “biết nhưng vẫn phải làm” vì không còn cách nào khác. Và có một nguyên nhân khách quan rất lớn trong thực trạng từ khóa học năm 2015 trở đi, con số sinh viên tự thôi học và bị buộc thôi học nhiều hơn hẳn các khóa khác.
Bối cảnh tuyển sinh lúc đó là 1 thí sinh có 4 nguyện vọng nhưng phải vào chỉ 1 trường, có nghĩa là “buộc” các em không còn chọn lựa nào khác. Vào ĐH chỉ để đậu ĐH trong khi năng lực sở trường các em lại là về lĩnh vực khác, thì làm sao mà danh sách bị buộc thôi học không càng ngày càng dài ra!
Tâm lý người học sẽ ra sao nếu như em đang ngồi học ngành mà thị trường đang bị dôi dư lao động, trong khi đó ngành phù hợp với năng lực sở trường của mình lại đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực.
Giá như người học và các cơ sở đào tạo có được các con số từ cấp quản lý vĩ mô về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu thực sự các bạn trẻ không phù hợp với lối rẽ vào đời qua con đường ĐH thì nên chọn hướng đi phù hợp bằng cách thay đổi. Không có sự bắt đầu nào là muộn cả. Hãy bắt đầu từ cái gốc là năng lực, sở trường.