* Tiến sĩ PHAN NGỌC HÀ, giảng viên Trường Đại học Duy Tân:
Nộp hồ sơ trực tuyến vẫn còn bất cập
Cách đây khoảng 7 năm, Bộ GD-ĐT đã ban hành 3 hình thức tuyển sinh vào đại học (ĐH). Một trong 3 hình thức đó là xét tuyển. Theo đó, tất cả các trường ĐH trên toàn quốc đều được xét tuyển. Về việc 30 điểm mà vẫn rớt ĐH, là do thí sinh đó không đăng ký nguyện vọng (NV). Theo quy chế tuyển sinh mới năm nay, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh NV tối đa 3 lần bằng hình thức trực tuyến. Đây được xem là quyền lợi của các thí sinh.
Trong những ngày qua, do dịch Covid-19 tác động, ngành GD-ĐT cũng bị ảnh hưởng nhiều về thông tin tuyển sinh, trường lớp, phương thức đào tạo… Từ đó, đã có một số trường hợp thí sinh không cân nhắc, tính toán kỹ nên bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển đúng NV, đúng ngành. Bên cạnh đó, năm 2021 đã xác lập kỷ lục mới về điểm chuẩn ĐH. Có những ngành mà điểm chuẩn đã tăng đến 9 điểm, mức tăng từ 2-4 điểm cũng không hiếm.
Lý do là năm nay có gần 760.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, cao đẳng, với 3,8 triệu NV. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh không đổi. Một nguyên nhân nữa là các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, khiến chỉ tiêu xét tuyển từ điểm tốt nghiệp THPT giảm.
Tôi thấy ở khâu hành chính ở nước ta, khi doanh nghiệp, cá nhân không nộp hồ sơ trực tiếp thì gặp một số khó khăn. Đối với ngành giáo dục, việc tuyển sinh ĐH qua mạng - ở công đoạn nộp hồ sơ cũng gặp khó khăn không kém. Để đậu vào ĐH, thí sinh phải minh chứng bảng điểm, hoặc thi tuyển hoặc như thế nào đó.
Một số thí sinh mất bảng điểm, bị thất lạc hồ sơ hoặc thiếu một số giấy tờ (như giấy khai sinh chẳng hạn), đã không biết bổ sung như thế nào, hay là nộp ảnh chân dung cho ai. Trên mạng hệ thống của các trường ĐH có ghi rõ, khi nộp hồ sơ thí sinh phải có đầy đủ giấy tờ, không đầy đủ thì sẽ không cập nhật, học sinh sẽ không được tuyển vào trường ĐH đó.
Ví dụ như Trường ĐH Duy Tân, để được nhập học, thí sinh phải có đủ 7 giấy tờ, thiếu giấy tờ nào đó thì cơ sở dữ liệu không cập nhật. Lúc đó thí sinh sẽ bị thiệt. Còn khi thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp, nếu thiếu gì thì Ban tuyển sinh của nhà trường sẽ cho giấy hẹn ghi ngày, tháng, năm để thí sinh bổ sung giấy tờ (không bổ sung thì thí sinh sẽ không được nhập học); hoặc là thí sinh viết giấy cam đoan… Từ đó cho thấy, nộp hồ sơ trực tuyến có bất cập.
* GS-TSKH NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC, Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội):
Đổi mới là cấp thiết
Từ thực tế của các phương thức tuyển sinh ĐH và kết quả điểm của kỳ thi THPT như hiện nay đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc đổi mới tuyển sinh ĐH, một lần nữa lại vô cùng cấp thiết.
Việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào ĐH là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện và Việt Nam cũng đang triển khai (như ở hai ĐH Quốc gia và một số trường ĐH khác).
Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch của Bộ GD-ĐT để có sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau, không chỉ phục vụ tuyển sinh, mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan và công bằng.
Mặt khác, nói việc tuyển sinh là của các trường, nhưng không vì thế mà bỏ qua vai trò hỗ trợ và điều hành, điều tiết của Bộ GD-ĐT. Trong khi các trường còn đang lúng túng với các kỳ thi tuyển sinh ĐH riêng, thì Bộ GD-ĐT có thể hỗ trợ các trường ĐH, điều chỉnh đề thi THPT hàng năm, để phục vụ tốt mục đích “2 trong 1” - giúp các trường có thể yên tâm sử dụng điểm bài thi THPT để tuyển sinh ĐH trong bối cảnh như hiện nay.
Điều đó là nhất cử lưỡng tiện, đỡ tốn kém cho các trường và đỡ vất vả cho thí sinh, đồng thời cũng hạn chế việc “thả nổi” xét tuyển sinh ĐH bằng quá nhiều phương thức khác.
* Th.S PHẠM THÁI SƠN, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM:
Phải cải tiến kỳ thi và tuyển sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sử dụng chỉ cho mục đích tốt nghiệp, chứ sử dụng cho nhiều mục đích là điều không khả thi, vì cùng một lúc mà vừa đánh giá tốt nghiệp, vừa tuyển chọn sinh viên cho các trường ĐH là rất khó. Việc xét hay thi tốt nghiệp THPT nên giao về địa phương chủ trì và tổ chức đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình.
Trung tâm khảo thí cấp quốc gia cần nhanh chóng triển khai để khâu đánh giá trở thành một dịch vụ cho các trường có thể sử dụng. Vấn đề này vừa phù hợp chủ trương về tự chủ trong công tác tuyển sinh của các trường, vừa đảm bảo chất lượng công tác đánh giá.
* Anh VÕ HOÀNG LONG, phụ huynh thí sinh vừa xét tuyển ĐH, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM: Điều này vô hình trung khó phân loại được mức học của các em. Tình trạng mỗi môn gần, trên 9 điểm mà vẫn trượt ĐH thì chứng tỏ có sự thiếu hợp lý. Việc nhiều trường hợp phải trên 30 điểm mới đậu ĐH khiến các em không còn niềm tin để phấn đấu đậu vào trường ĐH mơ ước.
Ở nhiều địa phương, việc coi thi và chấm thi chưa nghiêm túc, rất dễ xảy ra tiêu cực. Nhiều em học sinh sau khi biết kết quả THPT với điểm số cao, liền đăng ký nộp hồ sơ vào các trường thuộc tốp đầu, tạo ra sự cạnh tranh khốc kiệt, nhiều thí sinh dù điểm cao nhưng rất dễ dàng bị đánh rớt. |