Ngày 1-4, tại Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức chương trình ra mắt sách Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống. Đây là tự truyện của nhà báo Thùy Trang, kể lại quá trình mắc căn bệnh ung thư quái ác khi tuổi đời mới 40 - vừa chạm đến giai đoạn chín muồi của nghề báo. Ở cuốn sách này, có khát vọng sống và ý chí kiên cường chống chọi với bệnh tật để được sống.
Cuốn sách được viết "với mục đích chia sẻ cách đối mặt với những khoảnh khắc nghiệt ngã mà bệnh nhân ung thư nào cũng trải qua, xem như là một liệu trình điều trị tự thân, đó là cách xây dựng nên tinh thần quật cường để chiến đấu với bệnh và cả với sự nhiễu loạn thông tin về bệnh K hiện nay", nhà báo Thùy Trang chia sẻ.
Nhà báo Thuỳ Trang (giữa), bên cạnh là nhà thơ Lê Minh Quốc tại chương trình ra mắt sách "Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống" |
Nỗ lực tự thân, ý chí kiên cường của Thùy Trang còn được tiếp sức bởi tình yêu thương lớn lao của gia đình, của người thân. Tình yêu thương đó níu giữ chị ở lại với đời, tiếp thêm sức mạnh để chống chọi với căn bệnh. Chị nghiệm ra: "Với một bệnh nhân, gia đình, người thân và bạn bè cực kỳ quan trọng. Ngày tôi nằm viện, cha mẹ, anh chị em tất bật chăm nom, không một giây phút nào họ để tôi một mình. Không chỉ có gia đình, tôi còn có bạn bè quan tâm, những anh chị đồng nghiệp trong cơ quan cũng ở cạnh. Tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi những mối quan hệ đó, bởi sự giúp đỡ của họ đã vực tôi dậy từ những hoang tàn, đổ nát trong tâm trí...".
Ý chí, nghị lực và tinh thần lạc quan có lẽ là điều dễ nhận ra trong cuốn sách Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống. Và đây cũng là điều mà tác giả mong muốn gửi đến bạn đọc, nhất là những người đang mắc bệnh ung thư. Chị cho rằng, "cuộc đời này dù có khổ đau thế nào nhưng đứng trước cửa chết, được sống vẫn là điều hạnh phúc nhất". Chính vì vậy, dù "những vết nhăn nheo trên móng tay, vết phỏng của tia phóng xạ khi xạ trị, trên đầu chỉ loe hoe vài cọng tóc tơ, mặt chằng chịt những đốm nâu khiến da mặt xám xịt...thì vẫn dặn lòng chỉ một gang tay nữa thôi, tôi sẽ về đến đích và đã bò (một cách đúng nghĩa) một cách chầm chậm qua những rào cản trước mắt mình".
Là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo, cũng là người đã gợi ý để tác giả Thuỳ Trang chọn tên sách là Không sợ sống - Dám yêu đời mà sống, nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết, lâu nay người ta nói là không sợ chết và sống thì quá dễ. Dễ như là mỗi ngày chúng ta làm những công việc rất bình thường: đói thì ăn, mệt thì nằm và hít thở. Đó là sống. Ai cũng nghĩ rằng, công việc đó đâu có gì khó mà dám hay không dám. Nhưng trong trường hợp của Thuỳ Trang, khi chị dám sống tức là không buông xuôi, không tuyệt vọng, không đầu hàng nghịch cảnh.
“Tôi đánh giá cao tập sách này ở chỗ gieo một hạt mầm, dù bất cứ khi gặp nghịch cảnh gì, một số phận gì, một điều gì không may mắn trong cuộc đời này thì việc đầu tiên của chúng ta là không sợ hãi và dám đối diện với nó. Để chúng ta tồn tại, bằng mọi cách để tồn tại, chứ không buông xuôi”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.
Thấu hiểu với những hoàn cảnh của bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhi, tác giả đã quyết định bán sách gây quỹ. Cùng với việc đấu giá tranh trong chương trình ra mắt sách tại Đường sách TPHCM, nhà báo Thuỳ Trang đã quyên góp 250 triệu đồng dành cho bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM.