Theo đó, đối với việc dồn dịch các điểm trường và sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, Bộ GD-ĐT lưu ý, trước nhất cần thực hiện rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đánh giá thực trạng các điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ; xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp các trường mầm non, tiểu học THCS (về điều kiện địa lý, giao thông, số lượng lớp/trường thấp, bố trí điểm lẻ chưa hợp lý) và bố trí số lượng học sinh/lớp theo quy định.
Việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường, trường có quy mô nhỏ phải được thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng thời, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao; từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực kể cả về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định; đồng thời có giải pháp phù hợp thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của học sinh khi đến trường; không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do phải đi lại quá xa.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường sau sáp nhập. Ngoài ra, chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường THCS trên cùng địa bàn xã; các xã có 2 đến 3 trường tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Việc sáp nhập để hình thành các trường có nhiều cấp học phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học.
Không sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non với các cơ sở giáo dục phổ thông. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai, cơ sở vật chất tại những điểm trường được chuyển đi đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hiệu quả, tránh lãnh phí.
Về cơ chế, chính sách, Bộ GD-ĐT đề nghị chính quyền các cấp ở địa phương cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp. Cụ thể, bố trí, sắp xếp và giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý theo đúng quy định. Hỗ trợ nhằm đảm bảo yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các điểm trường nơi chuyển đến. Hỗ trợ việc đi lại của học sinh khi đến trường.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh học sinh và người dân trong việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trước khi tổ chức thực hiện.